Trường trung cấp có phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp không? Nguyên tắc đặt tên trường trung cấp là gì?
Trường trung cấp có phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2021/TT-BLĐTBXH quy định về địa vị pháp lý của trường trung cấp như sau:
Địa vị pháp lý của trường trung cấp1. Trường trung cấp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.2. Trường trung cấp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có quyền tự chủ và có trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.3. Trường trung cấp hoạt động theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, pháp luật giáo dục, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, trường trung cấp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có quyền tự chủ và có trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Trường trung cấp có phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp không? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc đặt tên trường trung cấp là gì?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2021/TT-BLĐTBXH thì nguyên tắc đặt tên của trường trung cấp là:
– Tên bằng tiếng Việt của trường trung cấp gồm thành tố như sau:
+ Cụm từ xác định loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trường trung cấp;
+ Cụm từ xác định loại hình, lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo chính;
+ Cụm từ xác định tên riêng: Tên địa phương; tên danh nhân văn hóa, lịch sử; tên cá nhân, tên tổ chức quản lý hoặc sở hữu trường. Cụm từ xác định tên địa phương phải gắn với nơi đặt trụ sở chính của trường;
+ Cụm từ gắn với tên khu vực, quốc tế, quốc gia nước ngoài: Tên khu vực, quốc tế, quốc gia nước ngoài phải gắn với hiệp định hợp tác cấp quốc gia hoặc chương trình hợp tác hoặc chương trình liên kết đào tạo với trường của quốc gia nước ngoài hoặc chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn của khu vực, quốc tế, quốc gia nước ngoài.
– Việc đặt tên trường phải rõ ràng, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không gây nhầm lẫn về chất lượng, đẳng cấp trường.
– Tên trường không được trùng và gây nhầm lẫn với tên của trường trung cấp đã thành lập trước đó.
– Tên giao dịch quốc tế của trường được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế, không dịch tên cá nhân và không gây nhầm lẫn với tên trường khác.
– Tên bằng tiếng Việt của trường được ghi trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, con dấu, biển hiệu, các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường và được gắn tại trụ sở chính, phân hiệu của trường.
Trường trung cấp có những nhiệm vụ nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 14/2021/TT-BLĐTBXH thì trường trung cấp có những nhiệm vụ sau:
– Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Tổ chức biên soạn, xây dựng hoặc lựa chọn, phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo, học liệu đối với từng ngành, nghề đào tạo của trương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Tổ chức các hoạt động đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; in phôi, quản lý, cấp phát bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và đào tạo các ngành, nghề đặc thù theo quy định của Chính phủ;
– Quản lý người học, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ và các hoạt động giáo dục toàn diện khác cho người học theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp, việc làm cho người học và tổ chức hoạt động hỗ trợ học sinh khởi nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật và các chính sách khác theo quy định của pháp luật;
– Tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động của trường bảo đảm đủ về số lượng, phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật;
– Cử hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của trường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
– Phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp; tổ chức cho đội ngũ nhà giáo, người học tham quan, thực tập tại doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người học theo quy định của pháp luật;
– Phối hợp với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên để tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp;
– Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ về giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mới phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương;
– Thực hiện dân chủ, công khai theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn giảng dạy, tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học. Có cơ chế để người học tham gia đánh giá hoạt động đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường;
– Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính, tài sản của trường theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp dữ liệu về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường để xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt