Học sinh tham khảo các bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 hay và ngắn gọn? Kiến thức tiếng Việt lớp 5 gồm những nội dung gì?
Top 4 bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 hay và ngắn gọn?
Dưới đây là các bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 mà các bạn học sinh tham khảo:
Bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 – Tả Hạ Long Là nơi địa linh, Hạ Long tập trung được trên một vùng lòng chảo rộng lớn hàng trăm hàng nghìn đảo lớn nhỏ với đủ các dáng hình. Có hòn đảo trông như những con rùa khổng lồ thả nổi trên mặt nước. Có đảo lại trông tựa người phụ nữ đang ngóng trông chồng. Các đảo nơi đây không chỉ đứng chơ vơ, tách rời và biệt lập mà còn tập trung túm tụm lại với nhau, uốn lượn từng khúc, từng khúc, nối với nhau tạo ra những con rồng khổng lồ đang cuộn mình trên mặt biển xanh. Đi vào từng hòn đảo ta càng ngạc nhiên và thích thú khi chiêm ngưỡng những hang động thiên tạo. Một sản phẩm của sự kết hợp đá và nước. Vào hang chúng ta như lạc vào một thế giới huyền ảo và diệu kì. Trên vòm hang cao, rộng hình thành vô số vết lõm tròn như dấu chân của trăm ngàn con voi khổng lồ. Dưới mặt đất, những mảng đá, núi đá thi nhau mọc lên nhọn hoắt như lưỡi mác. Chúng tập kết lại với nhau tạo thành một rừng chông thiên nhiên trên mặt đất. Đỏ rực và lung linh. Thiên nhiên vốn đã kì lạ lại được con người khoác thêm vẻ lung linh, huyền ảo nhờ ánh đèn trông lại càng kì vĩ và hấp dẫn… Hạ Long đẹp không chỉ bởi những hòn đảo thơ mộng hay những hang động gây “sửng sốt”. Nhưng nếu không có chúng thì sẽ không tạo nên một Hạ Long quyến rũ và say người như hiện nay. Vịnh Hạ Long là một trong số ít những cảnh đẹp nổi tiếng thế giới ở nước ta. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam về một nơi thiên nhiên ưu đãi con người. Em yêu Hạ Long và mong nơi đây mãi giữ được vẻ đẹp long lanh hài hòa đá nước. |
Bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 – Tả Hồ Gươm Khi em đặt chân đến hồ Gươm, trong phút chốc, một cảm giác kì lạ len lỏi vào lồng ngực em. Đó là bởi ước mong lâu ngày cuối cùng cũng thành hiện lực, và cũng bởi khung cảnh ở đây thật đẹp quá. Cảnh đẹp ở hồ Gươm là sự dung hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc do con người tạo ra. Hai yếu tố đó dung hòa một cách thuần túy và tự nhiên đến mức như vốn phải như thế. Hồ Gươm nổi tiếng với mặt hồ rộng và bằng phẳng như mặt gương khổng lồ. Nước hồ có màu xanh lơ, rất sâu, ẩn chứa cả một thế giới ở dưới đó. Khi đứng gần, em quan sát được những đợt sóng gợn lăn tăn trên mặt hồ, dập dềnh đều đặn như tấm lụa xanh đang trôi dạt vào bờ, chứ không đứng im lìm như trong sách kể. Giữa lòng hồ, có một ngôi tháp bốn tầng với nhiều ô cửa sổ trông rất xưa cũ đứng trầm tư. Đó chính là Tháp Rùa mà người ta vẫn thường nhắc đến trong các bài thơ về hồ Gươm. Ngọn tháp có nhiều rêu xanh bám vào, những mảng sơn cũng tróc ra, trông xám xịt, thấm đẫm vẻ trầm tư của thời gian. Nó chính là minh chứng lớn nhất cho những gì mà hồ Gươm đã trải qua. Xung quanh tháp chỉ là mặt nước mênh mông, ngăn cách nó với thành phố ồn ào và náo nhiệt. Nhìn tháp, em cảm giác nó mang một nỗi trầm buồn khó tả. Men vào gần bờ hồ hơn là đền Ngọc Sơn lấp ló trong những tán lá xanh mượt, cao lớn. Khác với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn trông mới và uy nghiêm hơn hẳn. Có lẽ bởi nơi đây được trùng tu, chăm sóc cẩn thận và thường xuyên có người đến dâng hương, cúng bái. Không gian trong đền tĩnh lặng, nghiêm trang, chỉ nghe tiếng lá cây bên ngoài xào xạc và tiếng bước chân người ghé qua. Tuy được trùng tu nhiều lần, nhưng đền Ngọc Sơn vẫn giữ nguyên lối kiến trúc và trang trí thuở ban đầu, trọn vẹn nét xưa cũ và cổ kính. Lối dẫn vào đền là cây cầu Thê Húc có nước sơn đỏ tươi, cong cong như con tôm. Hình ảnh so sánh đó em đã đọc nhiều trong sách vở, nhưng đến nay, phải khi nhìn ngắm trực tiếp thì em mới cảm nhận được sự tinh tế và ngộ nghĩnh của các so sánh đó. Toàn bộ xung quanh hồ Gươm, đều đã được xây bờ kè. Ven bờ hồ cũng được lát đá bằng phẳng, thuận tiện cho di chuyển. Rất nhiều cây xanh cao lớn vốn mọc quanh bờ hồ cũng được chăm sóc và bảo vệ chu đáo. Cây nào cũng to lớn, tán lá xanh um, vươn mình soi bóng dưới mặt hồ. Cùng với đó, còn có rất nhiều những luống hoa tươi xinh được trồng xen kẽ giữa các gốc cây, tạo nên vẻ đẹp tươi mát, tăng thêm màu sắc cho cảnh quan ven hồ. Dường như người trồng cây cũng cố tình tạo nên một hàng rào tự nhiên từ cây cỏ, hoa lá, để bảo vệ không gian bên trong hồ. Để hồ Gươm tuy nằm giữa lòng Hà Nội xô bồ, nhộn nhịp, vẫn giữ vẹn nguyên nét cổ kính, xưa cũ và trầm mặc của mình. Dạo bước quanh hồ, em cảm thấy thời gian ở đây như chậm hơn phía ngoài kia. Không gian ở đây mang một màu sắc rất riêng, khiến người ta không tự chủ mà sống chậm lại, tận hưởng từng thời khắc ở nơi này. Rời khỏi hồ Gươm, hòa vào dòng người rộn ràng của thủ đô, em lại càng nuối tiếc thời gian tham quan hồ. Giá như em được ở lại nơi đó lâu thêm chút nữa, được chiêm ngưỡng khoảnh khắc hoàng hôn và giao mùa ở đó thì tuyệt vời biết nhường nào. Suy nghĩ ấy cứ thôi thúc mãi trong em, khiến em lại bùng lên một khao khát mới. Khao khát được trở lại thăm hồ Gươm trong một ngày gần nhất. |
Bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 – Tả thành phố Đà Lạt Mùa hè năm ngoái em được ba dẫn đi chơi nhà cô ruột ở thành phố Đà Lạt, mảnh đất Tây Nguyên lãng mạn, nên thơ. Em thực sự bị hút bởi cảnh đẹp và khí hậu mát mẻ, trong lành của xứ sở thần tiên này. Em đã có những ngày khám phá từng địa danh, di tích của Đà Lạt. Tuy chưa được đi hết nhưng em rất ấn tượng với mảnh đất này. Đà Lạt là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng, người ta thường gọi đây là thành phố cao nguyên vì nó được bao bọc xung quanh toàn núi là núi, trùng trùng điệp điệp. Đà Lạt gắn với những đồi thông bạt ngàn, những con đường chênh vênh và rất nhiều điểm đến thú vị. Cô dẫn em đi Thung lũng tình yêu, Hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Thiền Viện Trúc lâm, trường Cao đẳng Đà Lạt, Lang Biang huyền thoại…Mỗi một nơi đều để lại trong em những dấu ấn riêng. Tuy nhiên em vẫn thích nhất là được đến Thiền Viện Trúc Lâm, cách trung tâm thành phố Đà Lạt tầm 5km, đường đi chênh vênh. Người ta có thể đi cáp treo đến Thiền Viện, nhưng cô em chở em đi bằng xe máy. Từ xa xa Thiền viện Trúc Lâm tựa như một tiên cảnh mọc lên giữa trần gian, mờ mờ ảo ảo hiện lên giữa trùng điệp núi rừng. Thiền viện Trúc lâm chính là một địa danh nổi tiếng, là ngôi chùa lớn của Đà Lạt, hằng năm đón rất nhiều du khách. Bước vào cổng của thiền viện, mọi người rất thành kính, trang nghiêm, vì đây là cửa Phật, chốn linh thiêng. Mọi người nô nức như đi trẩy hội đầu năm. Trong chính điện thờ Phật Thích Ca cầm cành hoa sen, hai bên là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Bởi vậy, du khách, phật tử đến đây để dâng hương, cầu xin an bình, may mắn. Bên trong khuôn viên của Thiền viện Trúc lâm có rất nhiều ngôi chùa nhỏ, có chỗ cho các tăng ni phật tử từ thập phương về đây cùng niệm phật. Mọi người đi lại, nói chuyện nhỏ nhẹ ở bên trong điện thờ, khấn bái, thắp hương để cầu may. Đặc biệt ở thiền viện Trúc Lâm có rất nhiều loại hoa khoe sắc quanh năm, hoa cẩm tú cầu nở rộ, bông to tròn chen chúc bên những khóm hoa hồng, hoa cúc…Mỗi loại hoa đều mang một vẻ đẹp riêng khiến cho người tham quan ngỡ ngàng. Đến thiền viện Trúc Lâm, nhiều người sẽ đi tha hồ ngắm cảnh hồ Tuyền Lâm được bao quanh là những hàng cây dương liễu rủ màu xanh. Ở trong hồ có chứa rất nhiều cá, mọi người chen chúc nhau chụp ảnh. Đứng từ thiền viện em nhìn ra xa, thấy thành phố Đà Lạt mờ mờ ảo ảo, tràn ngập trong màn sương thật đẹp. Khi rời chân khỏi thiền viện Trúc Lâm, em thấy có chút gì đó luyến tiếc với mảnh đất Phật này. Em hi vọng rằng sẽ sớm quay trở lại đây vào ngày gần nhất. |
Bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 – Tả thành phố Vũng Tàu Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, gia đình em đã tổ chức đi chơi ở Vũng Tàu trong vòng một tuần. Em rất phấn khởi vì từ lâu em đã ao ước được nhìn ngắm bãi biển xanh trong ấy. Sáng, khoảng bốn năm giờ. Gia đình em lên xe và lên đường đến Vũng Tàu. Gần trưa xe mới tới nơi. Em bước xuống xe và đưa mắt quan sát. ôi! Em thốt lên. Ánh nắng hắt xuống biển làm mặt nước biển lóng lánh một cách rực rỡ. Nước biển trong suốt lộ ra cho em thấy bãi cát gợn đều rất lạ. Em chưa kịp ngắm hết quang cảnh ở đó thì phải phụ ba mẹ xách đồ đạc về phòng trọ. Phòng trọ cũng rất tiện nghi. Nhưng điều làm em thích nhất là phòng trọ có một cửa sổ, mà đứng ở cửa sổ thì có thể nhìn thấy bãi biển. Sau khi ngủ một giấc lấy lại sức em thay đồ rồi chạy ra biển. Biển lúc này có một màu xanh đục. Nắng dịu trải dài trên bãi cát trắng. Chốc chốc lại có những cơn gió thoảng qua làm đung đưa những tàu dừa xanh mơn mởn. Em bước từng bước trên bãi cát mịn và nóng xuống biển. Nước biển mát rượi làm em sảng khoái lạ thường. Lúc này trên bờ chỉ còn lác đác những du khách tham quan đang hối hả về cho kịp chuyến xe. Những con dã tràng nhanh chóng chạy về tổ. Nắng đã tắt hẳn, em phải trở về phòng với vẻ luyến tiếc. Buổi tối, em đứng ở cửa sổ nhìn về phía bãi biển. Lúc này bãi biển chỉ toàn một màu đen, nhưng em có thể trông thấy những đợt sóng trắng xóa ập vào liếm lên bãi cát. Em có thể nghe thấy tiếng sóng rì rào như một bản tình ca dịu dàng đưa em vào giấc ngủ. Buổi sáng, em đánh răng, súc miệng và ăn sáng. Xong xuôi em dẫn bé Lan ra biển. Những tia nắng sáng chiếu rọi lòng biển. Em thấy lúc này màu nước biển là đẹp nhất. Một màu xanh ngọc bích rực rỡ như cầu vồng. Một cơn sóng nhỏ ập vào nơi em đứng. Nước biển mát lạnh làm cho em phải rụt chân lên. Em cảm thấy rất vui. Dần dần nước biển được nắng chiếu xuống nên ấm hẳn lên. Người đi tắm biển cũng đông hơn. Nếu nhìn từ trên cao xuống thì người ta sẽ liên tưởng ngay đến một bức tranh đủ màu sắc biết chuyển động. Thế rồi, một tuần thấm thoắt trôi qua. Em lại phải thu xếp quần áo, đồ đạc để trở về nhà. Lòng buồn rười rượi nhưng không thể ở lại. Trước khi bước lên xe em ngoái lại nhìn lướt lại cảnh vật ở bãi biển. Tất cả như muôn níu kéo em lại. Em thốt lên “ở lại biển thân yêu nhé! Sẽ có một ngày tôi trở lại đây”. |
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Top 4 bài văn tả danh lam thắng cảnh lớp 5 hay và ngắn gọn? Kiến thức tiếng Việt lớp 5 gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)
Môn Tiếng Việt lớp 5 có phải môn học bắt buộc?
Căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định như sau:
1. Giai đoạn giáo dục cơ bản1.1. Cấp tiểu họca) Nội dung giáo dụcCác môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm….
Như vậy, lớp 5 thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản, cho nên môn Tiếng Việt lớp 5 là môn học bắt buộc.
Kiến thức tiếng Việt lớp 5 gồm những nội dung gì?
Căn cứ Mục 5 Phụ lục Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có quy định về kiến thức tiếng Việt nằm trong nội dung giáo dục lớp 5 bao gồm:
– Quy tắc viết tên người, tên địa lí nước ngoài
– Một số trường hợp viết hoa danh từ chung để thể hiện sự tôn trọng đặc biệt
– Vốn từ theo chủ điểm
– Từ điển: cách tìm từ, nghĩa của từ, cách dùng từ và tra cứu thông tin khác
– Nghĩa của một số thành ngữ dễ hiểu, thông dụng
– Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng, “đồng âm khác nghĩa”
– Từ đồng nghĩa: đặc điểm và tác dụng
– Từ đa nghĩa và nghĩa của từ đa nghĩa trong văn bản.
– Đại từ và kết từ: đặc điểm và chức năng
– Câu đơn và câu ghép: đặc điểm và chức năng
– Công dụng của dấu gạch ngang (đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu); dấu gạch nối (nối các tiếng trong những từ mượn gồm nhiều tiếng)
– Biện pháp tu từ điệp từ, điệp ngữ: đặc điểm và tác dụng
– Liên kết giữa các câu trong một đoạn văn, một số biện pháp liên kết câu và các từ ngữ liên kết: đặc điểm và tác dụng
– Kiểu văn bản và thể loại:
(1) Bài văn viết lại phần kết thúc dựa trên một truyện kể
(2) Bài văn tả người, phong cảnh
(3) Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc trước một sự việc hoặc một bài thơ, câu chuyện
(4) Đoạn văn nêu ý kiến về một hiện tượng xã hội
(5) Bài văn giải thích về một hiện tượng tự nhiên, bài giới thiệu sách hoặc phim, báo cáo công việc, chương trình hoạt động, có sử dụng bảng biểu; văn bản quảng cáo (tờ rơi, áp phích,…)
(6) Thông tin bằng hình ảnh, số liệu (phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ).
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt