Học sinh tham khảo các mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học môn Ngữ văn lớp 8? Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục lớp 8 là gì?
Top 3 mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học môn Ngữ văn lớp 8?
Dưới đây là các mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học môn Ngữ văn lớp 8 mà các bạn có thể tham khảo:
Mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học – tác phẩm Chí Phèo Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người. Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê qủy hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xòm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở. Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . . Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng: Có gì đẹp trên đời hơn thế? Người yêu người, sống để yêu nhau Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này. Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn. |
Mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học – tác phẩm Muối của Rừng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn mang đến những làn sóng mới trên văn đàn Việt Nam với những thể văn đa dạng và cách viết mang tính “không trùng lặp”. Trong “Muối của rừng”, Nguyễn Huy Thiệp đã đào sâu mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Tác phẩm đã gửi đến người đọc những hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị chân chính của thiên nhiên – đánh thức nhân tính con người. Vậy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là gì, tại sao cần giữ gìn mối quan hệ ấy và chúng ta cần làm gì? Trước hết, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ bền chắc, không thể tách rời, nó tồn tại đời đời kiếp kiếp, không thể tách rời, thiên nhiên và con người tồn tại song hành và tương trợ lẫn nhau. Con người vẫn tồn tại được trong một thời gian nhất định nếu bị tách rời môi trường xã hội nhưng con người không thể sống nếu thiếu không khí để thở, nước để uống, thức ăn, không thể sản xuất nếu thiếu đất, nước, ánh sáng….Con người được sinh ra từ thiên nhiên, thiên nhiên quyết định cuộc sống của con người và con người quyết định số phận của thiên nhiên. Con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của tài nguyên và môi trường. Vì con người tồn tại được là cần có các tài nguyên của môi trường cung cấp; bên cạnh đó con người trong hoạt động của mình có tác động mạnh mẽ trở lại và làm thay đổi môi trường. Tuy nhiên trong mối quan hệ ấy, thiên nhiên mang đến cho chúng ta bao nhiêu là lợi ích. Thế nhưng con người chúng ta lại không biết tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn chúng. Chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ. Chúng ta làm ô nhiễm tài nguyên nước cũng như không khí bằng các chất thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông thường ngày. Tất cả các khu rừng đều bị chúng ta tàn phá, chúng ta đốt rừng, chặt phá cây cối để tìm kiếm lợi nhuận riêng cho chính bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Những nguồn lợi từ thiên nhiên mang đến cho cuộc sống chúng ta tưởng chừng như vô tận, nhưng nếu chúng ta không biết bảo tồn và gìn giữ sẽ dẫn đến việc tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm sẽ làm thủng tầng ozon, trái đất bị nóng lên cũng như nguy cơ hạn hán, lũ lụt càng nhiều. Chính chúng ta đã góp phần tạo nên những tác động nguy hại đến đời sống của bản thân chúng ta. Thiên nhiên có vai trò rất quan trọng đối với tất cả con người cũng như tất cả những sinh vật sống trên trái đất. Chính vì thế chúng ta phải biết khai thác, sử dụng hợp lí cũng như bảo tồn, giữ gìn thiên nhiên để thiên nhiên trở thành một trong những tài sản quý giá nhất của con người chúng ta. Thông qua các phương tiện truyền thông đã giúp cho chúng ta có nhiều thông tin về hiện trạng môi trường thiên nhiên ngày càng ô nhiễm, vỏ trái đất đang nóng dần lên, thiên tai nhiều hơn, nhân loại đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự thay đổi của môi trường thiên nhiên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người, dịch bệnh ngày càng nhiều hơn. Đời sống con người đang xa dần với môi trường thiên nhiên do chịu ảnh hưởng của hiện trạng đô thị hóa của xã hội. Đứng trước những thực trạng tiêu cực ấy, mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống của con người. Mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường và với các hoạt động trong và ngoài nước về bảo vệ môi trường. Việc cải thiện môi trường là một quá trình và cần có thời gian, chính vì vậy mỗi người chúng ta cần chọn cho mình một giải pháp chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình với tình trạng môi trường hiện nay. Như vậy, “Muối của rừng” là một tác phẩm hoàn hảo để con người nhận thức lại vị thế của mình trên bàn cân: con người – thiên nhiên. Tác phẩm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị chân chính của thiên nhiên – đánh thức nhân tính. Một tác phẩm nhắn nhủ con người phải luôn bảo vệ, nâng niu, che chở cho thiên nhiên. |
Mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học – tác phẩm Muối của rừng Ô Hen-ri là cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Mĩ đầu thế kỉ XX. Giải thưởng Ô Hen-ri là giải thưởng văn chương ở Mĩ dành cho những truyện ngắn hay nhất hàng năm. Tên tuổi nhà văn mãi mãi lưu danh hậu thế. Truyện “Chiếc lá cuối cùng” tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Ô Hen-ri. Truyện chỉ có ba nhân vật, những họa sĩ nghèo: Xiu, Giôn-xi và cụ già Bơ-men. Truyện có kết cấu chặt chẽ, hầu như không có chi tiết nào thừa, diễn biến xúc động như khi nói về trận ốm kéo dài của Giôn-xi và cái chết bất ngờ của cụ Bơ-men. Có ý kiến cho rằng: Truyện “Chiếc lá cuối cùng” của Ô Hen-ri là bức thông điệp màu xanh về tình thương và sự sống của con người. Truyện “Chiếc lá cuối cùng” của Ô Hen-ri đã thể hiện một tình bạn cao quý cảm động. Giôn-xi và Xiu là hai nữ họa sĩ trẻ, tuy nghèo mà lắm ước mơ, nhiều yêu thương. Họ gắn bó với nhau về những sở thích và về nghệ thuật mà kết thành chị em cùng chung nhau thuê một phòng họa nơi phố nghèo. Mùa đông năm ấy, chứng viêm phổi hoành hành đã “đánh ngã hàng chục nạn nhân”. Giôn-xi cũng bi cảm lạnh, nằm liệt giường. Mọi thứ thuốc men đều trớ thành “vô dụng”, cô yên trí là mình “không thể khỏi được”. Giôn-xi lại bị ám ảnh, một khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân phía cửa sổ rụng xuống thì cô “cũng ra đi thôi”. Sự sụp đổ về tinh thần của cô họa sĩ trẻ bất hạnh làm cho bệnh tình ngày thêm trầm trọng. Chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, tình bạn được thử thách. Xiu thương đứa em nuôi vô cùng, cô đã khóc “đến ướt đẫm cả một chiếc khăn trải bàn Nhật Bản”. Xiu lo âu. Xiu săn sóc và hết lòng chạy chữa cho em. Xiu làm việc nhiều hơn để kiếm thêm tiền mua thuốc và thức ăn cho Giôn-xi. Khi đứa em tội nghiệp “nằm yên lặng và trắng nhợt như một pho tượng bị đổ” thì Xiu vẫn kiên nhẫn an ủi em. Cô nói qua làn nước mắt: “Em thân yêu, em yên dấu!… Em hãy hứa với chị là hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa…”. Em hãy cố ngủ đi”… Xiu đã tận tình săn sóc em, lúc thì quấy nước súp gà, lúc thì pha sữa với rượu Boóc-đô, lúc thì đặt thêm gối, lúc thì mời bác sĩ, lúc thì cầu cứu bác Bơ-men. Xiu đã giành giật với tử thần để chạy chữa cho đứa em nuôi bé bỏng tội nghiệp. Xiu là hiện thân của tấm lòng trắc ẩn vị tha, là một con người giàu đức hi sinh thầm lặng, có một trái tim nhân hậu mênh mông. Xiu là một nhân vật rất đẹp làm ta xúc động và ngưỡng mộ về một tình bạn, tình chị em thủy chung, cao quý. Nhân vật Xiu tỏa sáng “bức thông điệp màu xanh” của “Chiếc lá cuối cùng”. Để cứu người khỏi tai họa, có những con người đứng trước cái chết không hề sợ chết. Cụ già Bơ-men, một họa sĩ già là một con người giàu đức hi sinh như vậy. Năm ấy, cụ Bơ-men đã 60 tuổi, khắc khố, đã 40 năm cầm bút vẽ mà vẫn không với tới được “gấu áo vị nữ thần” của nghệ thuật. Tuy vậy, cụ đã nói với cô Xiu: “Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất…”. Ông không ngồi làm mẫu nữa, mà đã đứng trong cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng, pha lẫn tuyết đang đổ xuống, chỉ mặc một cái áo sơ mi cũ màu xanh, đứng suốt đêm âm thầm sáng tạo nên “chiếc lá cuối cùng”, “chiếc lá dũng cảm”. Gió bấc lồng lộn, nhưng chiếc lá thường xuân “đơn độc” ấy vẫn bám chắc lấy cành. Giày và áo quần cụ họa sĩ đã ướt sũng và lạnh buốt. Cụ Bơ-men đã chết vì sưng phổi. Chiếc lá cuối cùng do cụ “vẽ” nên đã đánh lui thần chết, cứu sống cô Giôn-xi. Quên mình để cứu người là một hành động cao cả. Cái chết của cụ già Bơ-men đẹp hơn mọi bài ca. Nếu Chúa bị đóng đinh chịu nạn vì hạnh phúc của con người, thì cụ Bơ-men cao đẹp thay đã xả thân vì sự sống của Giôn-xi. Cụ đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác, cụ để lại cho đời, vì sự sống và hạnh phúc của con người thì còn lại mãi mãi. Giôn-xi khỏi bệnh, cô lặng ngắm “tác phẩm kiệt xuất” của cụ Bơ-men, và cô xúc động nghĩ: “Cụ vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng” với tất cả tình thương và lòng biết ơn vô hạn. Hơn một thế kỉ nay, hàng triệu độc giả trên hành tinh đã cúi đầu nghiêng mình trước nghĩa cử và cái chết của họa sĩ già Bơ-men. “Chiếc lá cuối cùng” là một trong những tác phẩm văn học nước ngoài đã đem đến cho chúng ta nhiều nhã thú. ”Bức thông điệp màu xanh” ấy, mãi mãi tươi non trong lòng người. Tình bạn bè, tình chị em, tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh của họa sĩ trẻ và già ấy làm cho người đọc tin yêu hơn vào lòng tốt của con người. Nó nhắn nhủ nhân loại: hãy phấn đấu cho hạnh phúc của con người, hãy đem nghệ thuật phục vụ con người, vẻ đẹp nhân văn, giá trị nhân bản của “Chiếc lá cuối cùng” đã rung động tâm hồn mỗi chúng ta. Nghệ sĩ Bơ-men đã ngã xuống vì nghệ thuật, đã hi sinh vì sự sống và hạnh phúc của con người. Nghệ thuật hướng tới con người là nghệ thuật cao đẹp nhất, lâu bền nhất! |
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Top 3 mẫu viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học môn Ngữ văn lớp 8? Kiến thức tiếng Việt lớp 8 có gì? (Hình ảnh từ Internet)
Kiến thức tiếng Việt môn Ngữ văn lớp 8 bao gồm gì?
Căn cứ theo Mục 5 Phụ lục Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Kiến thức tiếng Việt trong nội dung chương trình môn Ngữ văn lớp 8 gồm:
– Nghĩa của một số thành ngữ và tục ngữ tương đối thông dụng
– Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ
– Từ tượng hình và từ tượng thanh: đặc điểm và tác dụng
– Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng (ví dụ: vô, hữu) và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó (ví dụ: vô tư, vô hình, hữu quan, hữu hạn)
– Trợ từ, thán từ: đặc điểm và chức năng
– Thành phần biệt lập trong câu: đặc điểm và chức năng
– Câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm; câu khẳng định và câu phủ định: đặc điểm và chức năng
– Biện pháp tu từ đảo ngữ, câu hỏi tu từ: đặc điểm và tác dụng
– Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
– Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp: đặc điểm và chức năng
– Kiểu văn bản và thể loại
+ Văn bản tự sự: bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội
+ Văn bản biểu cảm: thơ sáu chữ, bảy chữ; đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu, bảy chữ
+ Văn bản nghị luận: luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; bài thảo luận về một vấn đề của đời sống; bài phân tích một tác phẩm văn học
+ Văn bản thông tin: thông tin khách quan, ý kiến chủ quan và mục đích của văn bản; văn bản thuyết minh để giải thích một hiện tượng tự nhiên; bài giới thiệu một cuốn sách; văn bản kiến nghị
– Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương: chức năng và giá trị
– Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị
– Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ,..
Ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục lớp 8 là gì?
Căn cứ theo Điều 11 Luật Giáo dục 2019 quy định ngôn ngữ, chữ viết dùng trong cơ sở giáo dục lớp 8 như sau:
– Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục.
– Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình theo quy định của Chính phủ; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo quy định của Luật Người khuyết tật.
– Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm để người học được học liên tục, hiệu quả.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt