Tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường cao đẳng là gì? Chủ tịch hội đồng trường cao đẳng được bầu theo nguyên tắc nào?
Tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường cao đẳng là gì?
Căn cứ khoản 7 Điều 11 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường cao đẳng như tiêu chuẩn của hiệu trưởng trường cao đẳng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, cụ thể như sau:
– Có phẩm chất, đạo đức tốt, đã có ít nhất là 05 năm làm công tác giảng dạy hoặc tham gia quản lý giáo dục nghề nghiệp;
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với hiệu trưởng trường trung cấp; có bằng thạc sỹ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng;
– Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp;
– Có đủ sức khỏe; bảo đảm độ tuổi để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng đối với việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng công lập.
Tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường cao đẳng là gì? (Hình từ Internet)
Chủ tịch hội đồng trường cao đẳng được bầu theo nguyên tắc nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 11 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc bầu chủ tịch hội đồng trường cao đẳng như sau:
Hội đồng trường…6. Chủ tịch hội đồng trường không là hiệu trưởng và được bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đồng ý. Chủ tịch hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:a) Ban hành quy chế hoạt động của hội đồng trường sau khi có ý kiến phê duyệt của cơ quan chủ quản. Quy chế hoạt động của hội đồng trường có nội dung chủ yếu sau: Chế độ làm việc, quy trình xử lý công việc của hội đồng trường; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên hội đồng trường; mối quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng, bí thư tổ chức Đảng của trường; mối quan hệ giữa hội đồng trường với cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác; chế độ báo cáo của hội đồng trường;b) Triệu tập các cuộc họp hội đồng trường;c) Quyết định về chương trình họp, chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại cuộc họp hội đồng trường;d) Điều hành hội đồng trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và quy định tại khoản 2 Điều này….
Theo quy định trên thì chủ tịch hội đồng trường cao đẳng được bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đồng ý.
Chủ tịch hội đồng trường cao đẳng cần thực hiện những công việc gì trước khi kết thúc nhiệm kỳ?
Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH thì trước khi kết thúc nhiệm kỳ 3 tháng, chủ tịch hội đồng trường cao đẳng cần thực hiện các công viêc sau:
– Tổ chức họp để xác định số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường;
– Đề nghị các tổ chức theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 tổ chức cuộc họp của tổ chức mình để bầu đại diện tham gia hội đồng trường;
– Thực hiện các công việc sau để đề nghị thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp:
+ Đề nghị cơ quan chủ quản trường hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan cử đại diện tham gia hội đồng trường;
+ Bầu chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường: Việc bầu chủ tịch, thư ký hội đồng trường được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Lưu ý: Trường hợp trong nhiệm kỳ hoạt động có sự thay đổi về chủ tịch, thư ký, thành viên hội đồng trường thì hội đồng trường đương nhiệm tổ chức họp, quyết nghị việc thay thế chủ tịch, thư ký và thành viên hội đồng trường. Khi có sự thay đổi số lượng thành viên hội đồng trường thì hội đồng trường đương nhiệm đề nghị cơ quan chủ quản trường bổ sung, kiện toàn hội đồng trường bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định.
Các trường hợp bị miễn nhiệm, cách chức của chủ tịch hội đồng trường là công chức?
(1) Trường hợp miễn nhiệm:
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH thì chủ tịch hội đồng trường là công chức bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường;
– Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị quá 06 (sáu) tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục;
– Có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm;
– Vi phạm các quy định đến mức phải miễn nhiệm quy định tại quy chế tổ chức, hoạt động của trường;
(2) Trường hợp cách chức:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH thì chủ tịch hội đồng trường là công chức bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm;
– Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
– Bị phạt tù, cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
– Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội;
– Vi phạm các quy định đến mức phải cách chức quy định tại quy chế tổ chức, hoạt động của trường;
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt