Học sinh tham khảo mẫu phân tích bài thơ Nguyên tiêu? Học sinh lớp 7 được đánh giá kết quả rèn luyện học kì theo các mức như thế nào?
Phân tích bài thơ Nguyên tiêu?
Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tài năng thơ ca cũng như tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên và yêu đời của Người. Để phân tích bài thơ Nguyên tiêu, chúng ta cần làm rõ vẻ đẹp của cảnh vật, cảm xúc của tác giả và ý nghĩa sâu sắc mà bài thơ truyền tải.
Dưới đây là mẫu phân tích bài thơ Nguyên tiêu mà học sinh có thể tham khảo.
Phân tích bài thơ Nguyên tiêu – Mẫu số 1:
Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hoá thế giới và còn là một nhà thơ lớn, nhà thi sĩ yêu trăng. Bác đã để lại cho thơ văn Việt Nam rất nhiều tác phẩm trong đó có bài “Rằm tháng giêng”. Bài thơ được sáng trong hoàn cảnh ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng và Chính phủ mở cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự thời kì đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Cuộc họp tan thì đêm đã khuya. Trăng rằm tỏa sáng khắp mặt đất bao la. Cảnh sông núi trong đêm càng trở nên đẹp đẽ và thơ mộng. Cảm hứng dâng cao, Bác đã ứng khẩu làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, tựa là Nguyên tiêu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên, Yên ba thâm xứ đàm quân sự; Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.” Sau đó, nhà thơ Xuân Thủy dịch bài thơ ra tiếng Việt dưới thể lục bát, với tên là Rằm tháng Giêng. Bản dịch giữ được gần hết ý thơ trong nguyên tác với nội dung thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước thiết tha của Bác Hồ. Nếu trong bài Cảnh khuya, Bác tả cảnh trăng đẹp chốn rừng sâu thì ở bài này, Bác tả cảnh trăng trên sông nước: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi, Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;” Vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng bát ngát khắp bầu trời, mặt đất trong đêm rằm. Khung cảnh mênh mông, tưởng như sông nước tiếp liền với bầu trời: “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”. Điệp từ “xuân” được lặp lại nhiều lần với ý tạo vật cùng lòng người đều phơi phới khí thế tươi vui. “Giữa dòng bàn bạc việc quân, Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.” Công việc hoạt động cách mạng cần phải bí mật. Bởi vậy mà cuộc họp phải diễn ra vào lúc đêm khuya. Nhưng dù gian khổ thế nào cũng không làm vơi đi cảm xúc, thi hứng trong lòng Bác. Buổi họp kết thúc vào lúc nửa đêm. Trăng tròn vành vạnh treo giữa trời (nguyệt chính viên) đang tỏa sáng. Cảnh sông nước trong đêm lại càng thêm thơ mộng. Dòng sông trở thành dòng sông trăng và con thuyền cũng dường như trở đầy ắp ánh trăng (trăng ngân đầy thuyền). Trước đêm trăng đẹp, tâm hồn Bác lâng lâng. Bác thả hồn hòa nhập với thiên nhiên mà Bác vốn coi là một người bạn tri âm, tri kỉ. Trong lòng Bác dâng trào một niềm vui, niềm tin vào thắng lợi của Cách mạng, của kháng chiến. Hình ảnh con thuyền trở đầy ánh trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng là một hình ảnh lãng mạn có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Phải có một phong thái ung dung tự tại và niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai thì nhà thơ mới sáng tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Bài thơ đã đem lại cho người đọc cảm xúc thanh cao, trong sáng. Bài thơ là dẫn chứng tiêu biểu chứng minh Bác Hồ vừa là một lãnh tụ cách mạng tài ba, vừa là một nghệ sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm. |
Phân tích bài thơ Nguyên tiêu – Mẫu số 2:
Trong niềm hân hoan chiến thắng sau chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947, Hồ Chủ tịch đã viết nên bài thơ Nguyên tiêu, hay còn gọi là Rằm tháng giêng. Bài thơ thể hiện không khí tươi vui chiến thắng cùng niềm hạnh phúc khi sắc xuân đang ngập tràn trên đất nước ta. Đọc bài thơ, ta cảm nhận được tâm trạng phấn khởi của Người cũng như tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết khi mùa xuân đang tới. Hai câu thơ đầu của bài thơ đã nói vẽ lên khung cảnh thiên nhiên vô cùng đẹp: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi, Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;” Hồ Chủ Tịch được biết đến là một con người yêu thiên nhiên, luôn khao khát được hòa nhập với thiên nhiên. Đặc biệt, trong thơ của Người luôn xuất hiện hình ảnh vầng trăng. Trăng như là một người bạn tri âm, tri kỉ của Bác. Trăng xuất hiện như để chia vui, để đồng hành cùng người chiến sĩ, người thi sĩ trong những chặng đường đã qua và sắp đến. Hẳn mỗi chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh vầng trăng trong đêm khuya thanh tĩnh khi Người đang phải lo nghĩ cho đất nước: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà” (Cảnh khuya) Nếu như hình ảnh trăng khi ấy đẹp và tròn đầy, như thao thức cùng Người vì nỗi lo cho đất nước thì giờ đây khi chiến thắng trăng vẫn ở đó, hân hoan, chia vui cùng người. Không những vậy, trăng trong ngày rằm thì chắc chắn sẽ tròn hơn những ngày bình thường, và đẹp hơn trong mắt một người đang vui, đang hạnh phúc. Câu thơ thứ hai là sự hòa quyện giữa dòng sông và bầu trời, hai chủ thể thiên nhiên tuy tách biệt nhau nhưng cùng chung màu sắc, một màu xanh của hòa bình, của chiến thắng hân hoan. Ta cảm nhận được thiên nhiên lúc này như cũng muốn chia vui cùng con người, và con người cũng đang hòa nhập vào thiên nhiên. Đây không phải là một đêm trăng rằm bình thường, mà là một đêm lịch sử ghi dấu ấn chiến công của dân tộc ta. Sắc xuân của đất trời cũng chính là sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng, mãnh liệt của đất nước. Hai câu thơ cuối của bài thơ tiếp tục là hình ảnh vầng trăng nhưng được miêu tả sóng đôi với con thuyền: “Giữa dòng bàn bạc việc quân, Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.” Ta thấy được vầng trăng trong thơ của Bác xuất hiện thật đa dạng, từ những khi một mình, thảnh thơi cho đến lúc bận rộn bàn chuyện nước. Người đang cùng những người chiến sĩ khác bàn bạc về việc quân, để tiến đến bảo vệ Tổ Quốc. Đây quả là một hoàn cảnh đặc biệt nhất mà trăng từng được xuất hiện ở thơ của Bác. Ánh trăng đêm khuya soi xuống dòng nước, đập vào mạn thuyền tạo nên một khung cảnh rất lãng mạn. Khung cảnh chính trị lại được đặt trong sự lãng mạn, rất tài tình và độc đáo. Thông qua bài thơ ngắn với chỉ bốn câu thơ, ta cảm nhận vẻ đẹp tuyệt diệu của vầng trăng vào ngày rằm tháng giêng – ngày chiến thắng lịch sử của dân tộc. Bác Hồ không chỉ vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp, thơ mộng mà còn gửi gắm vào đó niềm vui, cảm xúc của mình trong ngày vui trọng đại này. Ta thấy thêm kính yêu và trân trọng vị lãnh tụ của dân tộc. |
Lưu ý: Nội dung Phân tích bài thơ Nguyên tiêu? chỉ mang tính chất tham khảo.
Phân tích bài thơ Nguyên tiêu? Các mức đánh giá kết quả rèn luyện học kì của học sinh lớp 7? (Hình từ Internet)
Các mức đánh giá kết quả rèn luyện học kì của học sinh lớp 7?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trung học, theo đó các mức đánh giá kết quả rèn luyện học kì của học sinh lớp 7 bao gồm:
– Mức Tốt: học kì 2 được đánh giá mức Tốt, học kì 1 được đánh giá từ mức Khá trở lên.
– Mức Khá: học kì 2 được đánh giá mức Khá, học kì 1 được đánh giá từ mức Đạt trở lên; học kì 2 được đánh giá mức Đạt, học kì 1 được đánh giá mức Tốt; học kì 2 được đánh giá mức Tốt, học kì 1 được đánh giá mức Đạt hoặc Chưa đạt.
– Mức Đạt: học kì 2 được đánh giá mức Đạt, học kì 1 được đánh giá mức Khá, Đạt hoặc Chưa đạt; học kì 2 được đánh giá mức Khá, học kì 1 được đánh giá mức Chưa đạt.
– Mức Chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Học sinh lớp 7 phải rèn luyện trong kì nghỉ hè khi nào?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 7 phải rèn luyện trong kì nghỉ hè trong trường hợp như sau:
– Học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè.
– Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt