Học sinh lớp 8 tham khảo mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi? Môn học nào của học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét?
Mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi lớp 8?
Hiện tượng xả rác bừa bãi đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, đặc biệt là tại các khu vực công cộng như đường phố, công viên, bãi biển. Dưới đây là mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi mà học sinh có thể tham khảo.
Nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu số 1:
Trong xã hội hiện đại ngày nay thì môi trường trở thành đối tượng được nhân loại quan tâm bảo vệ hàng đầu. Ở hầu hết những nước phát triển hiện tượng xả rác bừa bãi hầu như không còn tồn tại do người dân có ý thức cao trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh bộ phận những người có ý thức ấy vẫn còn những người xả rác bừa bãi phá hoại môi trường sống của chúng ta. Quá trình sinh hoạt và sản xuất của con người tạo ra vô vàn các loại rác thải. Và nếu như không có một quy trình kiểm soát và xử lý kịp thời những loại rác thải đó thì sẽ gây ra những tác hại cho môi trường sống. Thế nhưng việc kiểm soát rác thải được thực hiện như thế nào là một vấn đề khó khăn. Thực tế chúng ta thấy rằng ý thức giữ gìn vệ sinh chung của một số người là chưa được tốt. Nhà cửa của mỗi người đều được quét dọn sạch sẽ, chẳng một ai vứt rác bừa bãi trong căn nhà của mình thế nhưng lại xả rác ngoài đường một cách vô ý thức. Hiện tượng này phổ biến ở mọi nơi, từ những thành phố lớn cho đến các miền quê. Có lẽ vì thế mà trên những đoạn đường vắng chúng ta sẽ thấy những túi rác, bao rác ngổn ngang ven đường, trên vỉa hè gây khó khăn cho người đi lại. Trong những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về nạn ô nhiễm và cảnh báo hiện tượng trái đất đang bị huỷ hoại dần. Là một phần của sự sống chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. Hãy tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người có thể hiểu được vai trò to lớn của môi trường sống. Việc tích cực giữ gìn sự trong lành của môi trường tự nhiên sẽ giúp cuộc sống của chúng ta ngày càng sạch đẹp, văn minh và tiến bộ. Qua đây chúng ta tháy rằng môi trường thực sự quan trọng với chúng ta, vì vậy chúng ta không nên xả rác bừa bãi. Mỗi người chúng ta hãy góp phần làm trái đất sạch đẹp từ những hành động nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi. Giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng và bỏ rác đúng nơi quy định thể hiện sự văn minh, lịch sự ở mỗi người chúng ta. |
Nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu số 2:
Một trong những hệ quả của xã hội hiện đại đó là ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường hiện nay trở nên nghiêm trọng như vậy một phần là do hành động vứt rác bừa bãi của con người. Xả rác bừa bãi là hiện tượng vô cùng nhức nhối trong xã hội ngày nay. Nó xảy ra ở khắp mọi nơi, trong công viên, vỉa hè hay thậm chí là ở những di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ở nông thôn, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bãi rác nằm ngổn ngang bên vệ đường, bốc mùi hôi thối và ngập tràn ruồi bọ. Những con sông, con mương vốn trong xanh bỗng thấy có những túi ni lông nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Còn ở thành phố thì sao? Người ta ăn xong một que kem, cái kẹo, uống xong một chai nước thì tiện tay vứt luôn xuống vỉa hè hay lòng đường. Các hàng quán, cơ sở sản xuất không được quản lí chặt chẽ nên lén lút vứt rác xuống cống, rãnh, ao, hồ. Thậm chí, ở một số điểm du lịch, mặc dù đã có biển cấm xả rác, khách du lịch vẫn thản nhiên vứt luôn vỏ kẹo, chai nước xuống, biện hộ rằng mình “lỡ tay”, ỷ lại vào những người làm công tác dọn dẹp, vệ sinh. Chỉ một hành động thiếu ý thức nhưng lại kéo theo những hậu quả vô cùng nặng nề. Rác không được xử lí sẽ bốc mùi, chất độc hại đó bay vào không khí, ngấm vào đất, nước làm hủy hoại môi trường ở nơi đó. Rác tồn đọng còn làm tắc cống rãnh, ao hồ, gây ngập úng vào mùa mưa lũ, gây mất cảnh quan đô thị. Những bãi rác cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài ruồi, muỗi, sinh vật kí sinh, tiềm tàng khả năng lây bệnh cho con người. Hơn nữa, hành động xã rác bừa bãi thể hiện một con người thiếu văn hóa, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Một người vô ý thức cũng kéo theo những người khác có hành vi tương tự. Hành động xả rác bừa bãi bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của chính bản thân con người. Họ không hiểu hết những hậu quả mà xả rác bừa bãi gây ra, đồng thời ỷ lại vào những người có nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Ở nông thôn, đó còn là vì thiếu cơ sở xử lí rác thải, dẫn đến những bãi rác tự phát không có sự cho phép của chính quyền. Để chung tay xây dựng một môi trường xanh- sạch- đẹp, chúng ta hãy cùng ngăn ngừa việc xả rác bừa bãi. Mỗi người hãy tự ý thức về hành vi của mình, bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời nhắc nhở nếu thấy người nào có ý định xả rác bừa bãi. Các tổ chức, cơ quan chính quyền cần tuyên truyền cho mọi người hiểu về hậu quả của xả rác bừa bãi cũng như ô nhiễm môi trường, thường xuyên vận động người dân tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh làng xóm. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng những khu xử lí rác thải tân tiến, hiện đại, có đội thu gom để rác không còn tập trung một chỗ. Rác thải nên được phân loại để tái chế, làm phân bón cho cây xanh, hạn chế tối đa việc thải ra môi trường. Đối với những hộ chăn nuôi, làm hầm biogas là một cách hữu ích để tận dụng chất thải động vật, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Vứt rác bừa bãi là một hành động vô ý thức đáng bị phê phán và lên án. Vì thế, để cải thiện môi trường sống xung quanh chúng ta, mỗi người hãy tự tạo lập ý thức vứt rác đúng nơi quy định, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, không còn rác thải. |
Lưu ý: Nội dung Mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi lớp 8? chỉ mang tính chất tham khảo.
Mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi lớp 8? Học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét trong môn học nào? (Hình từ Internet)
Học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét trong môn học nào?
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét trong các môn học như sau:
– Giáo dục thể chất.
– Nghệ thuật.
– Âm nhạc.
– Mĩ thuật.
– Nội dung giáo dục của địa phương.
– Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 8 được đánh giá bằng nhận xét như sau:
– Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
– Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.
– Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.
– Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt