Mẫu 3+ bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử mà em yêu thích nhất?

Tham khảo mẫu bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử...



Tham khảo mẫu bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử được xem nhiều nhất? Yêu cầu về năng lực văn học của học sinh lớp 9 thế nào?






Mẫu 3+ bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử mà em yêu thích nhất?

Dưới đây là mẫu bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử:

Bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử – Mẫu 1:

Hồ Gươm, nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội, Hồ Gươm – hay còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm được tất cả mọi người xem như biểu tượng của Thủ đô. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp tựa tranh vẽ mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, trở thành niềm tự hào của người dân thủ đô.

Dòng nước xanh lục đặc trưng chảy quanh Hồ Gươm là mặt nước trong xanh, được bao quanh bởi những con đường rợp bóng cây xanh mát, tạo nên một không gian yên bình, thư thái giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp. Trên mặt hồ, hòn đảo nhỏ với đền Ngọc Sơn cổ kính nổi bật, đặc biệt là cầu Thê Húc đỏ như son vươn ra giữa đảo, như một chiếc cầu nối liền quá khứ và hiện tại. Bất cứ ai từng đến thăm hồ Gươm đều không thể quên được những hình ảnh đẹp đến yên bình này.

Trong tâm trí người Hà Nội, Hồ Gươm đã được xem như một nhân chứng lịch sử với bề dày trầm tích văn hóa. Cái tên Hồ Hoàn Kiếm chính là để nhắc đến truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm cho rùa thần nhưng ít ai biết ý nghĩa thực sự của hình ảnh này. Hành động trả kiếm cùng hình ảnh tháp bút viết lên trời xanh minh chứng cho việc gác lại binh đao để xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc, không còn chiến tranh. Điều này thể hiện cho sự khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam.

Hồ Gươm còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Hà Nội. Mỗi sáng, những người dân thủ đô đến đây để tập thể dục, đi dạo, ngắm cảnh, tìm lại sự bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng. Vẻ đẹp của hồ không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử vô giá.

Hồ Gươm trong mắt người Việt Nam còn là một minh chứng lịch sử khi đã chứng kiến những thăng trầm của đất nước, là một nơi có vị thế đặc biệt trong trái tim người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và cả những du khách khắp nơi. Đây là một không gian hội tụ của thiên nhiên, lịch sử và văn hóa, là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của thủ đô.

Dù nán lại ngắm cảnh ở Hồ Gươm rất lâu, nhưng tôi vẫn chẳng muốn rời đi chút nào. Mong rằng, vào thời gian sắp tới, tôi sẽ lại có cơ hội được trở lại thăm Hồ Gươm và cả thủ đô Hà Nội yêu quý nữa.

Bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử – Mẫu 2:

“Về thăm xứ Huế mộng mơ

Quê hương chiếc nón bài thơ để đời

Danh lam thắng cảnh mọi nơi

Đền đài lăng tẩm tuyệt vời Huế đây

Ai từng viễn cảnh nơi này

Sông Hương núi Ngự tràn đầy niềm vui

Thiết tha tình cảm bùi ngùi

Níu chân du khách khôn nguôi khi về”

Tác giả: Ngọc Sơn Hồ

Huế là một thành phố ở miền Trung Việt Nam, là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn Huệ nổi tiếng với những đền chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên. Nghiêng mình bên dòng sông xanh hiền hòa của miền Trung. Huế là một di sản văn hoá vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy, một miền văn hoá độc đáo của Việt Nam và thế giới. Năm 1993, Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Cho đến hôm nay, Huế đã đang, và sẽ mãi mãi được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, sánh vai với các kỳ quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO.

Cố đô Huế, mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của dân tộc. Nơi đã từng chứng kiến một thời vàng son huy hoàng rực nhất của triều đại nhà Nguyễn, đồng thời cũng là chứng nhân cho sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế trong lịch sử phong kiến kéo dài suốt mấy ngàn năm của Việt Nam ta. Ngày nay, cố đô Huế là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng và thu hút một lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước.

Khi đến Huế, người ta không thể không nhắc đến Kinh Thành Huế – nơi từng là trung tâm quyền lực của triều đại Nguyễn. Cùng với những công trình kiến trúc tráng lệ như Đại Nội, Ngọ Môn, và Hoàng Thành, Kinh Thành Huế là minh chứng sống động cho tài năng, sự sáng tạo của các nghệ nhân xưa. Những tường thành kiên cố, những mái ngói rêu phong, những hàng cột gỗ quý đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, của những thời khắc quan trọng trong cuộc sống của các vua chúa và dân tộc.

Ngoài Kinh Thành, Huế còn nổi tiếng với các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn như Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng… Mỗi lăng tẩm không chỉ là nơi an nghỉ của các vị vua mà còn là những công trình kiến trúc kỳ vĩ, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc, hội họa và xây dựng. Những không gian yên tĩnh, huyền bí của các lăng tẩm, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh, khiến cho Huế như một bức tranh sống động của quá khứ.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từng chứng kiến sự huy hoàng, rực rỡ và sụp đổ của cả một triều đại, bị bom đạn chiến tranh tàn phá nghiêm trọng, tuy không còn giữ được dáng vẻ nguyên sơ của mình nhưng quần thể di tích cố đô vẫn luôn mang trong mình nguyên những giá trị văn hóa, lịch sử, là biểu tượng cho chế độ phong kiến đã kết thúc cách đây hàng trăm năm.

Huế còn nổi bật với nền văn hóa đặc sắc, từ âm nhạc cung đình đến các món ăn mang đậm bản sắc. Những điệu nhã nhạc cung đình Huế như một bản hòa tấu dịu dàng, vang vọng qua những làn sóng sông Hương, gợi lên cảm giác nhớ nhung về một thời vang bóng. Món ăn Huế, với sự tinh tế và đa dạng, cũng làm say lòng bao du khách.

Cố đô Huế là nơi lưu giữ hồn Việt, là nơi các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Mỗi bước đi trên những con đường nhỏ trong thành phố cổ, mỗi lần ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ kính, ta như cảm nhận được một phần linh hồn của đất nước đang sống lại trong mình. Huế không chỉ là một thành phố, mà là một kho tàng lịch sử và văn hóa, luôn mở rộng vòng tay đón chào những ai yêu mến và tìm về.

Bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử – Mẫu 3:

Vịnh Hạ long được ví von như một bản giao hưởng kỳ vĩ của thiên nhiên đất Việt. Nếu Tổ quốc Việt Nam thân yêu là một bản trường ca hùng tráng, thì Vịnh Hạ Long chính là khúc ngân vang tuyệt mỹ, ghi dấu tình yêu kỳ diệu mà thiên nhiên đã dành tặng cho dải đất hình chữ S. Nằm ở vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long không chỉ là di sản thiên nhiên thế giới mà còn là biểu tượng của vẻ đẹp hồn hậu, sâu lắng và đầy kiêu hãnh của non sông Việt.

Trải rộng mênh mông giữa đất trời, Vịnh Hạ Long là bức tranh thủy mặc sống động, nơi hội tụ hàng nghìn đảo đá với muôn hình vạn trạng. Mỗi hòn đảo như một nét chấm phá tài hoa, khéo léo sắp đặt bởi bàn tay của tạo hóa: nào là hòn Gà Chọi kiêu hãnh giữa mênh mang sóng nước, nào là hòn Đỉnh Hương như ngọn lửa thiêng bất diệt thắp sáng lòng yêu nước ngàn đời. Ẩn sâu trong lòng vịnh là những hang động kỳ ảo – động Thiên Cung, hang Sửng Sốt – nơi ánh sáng và đá vẽ nên những câu chuyện huyền thoại làm say lòng bao du khách.

Vịnh Hạ Long luôn được xem là hòn ngọc quý của Đông Nam Á nhờ vẻ đẹp hài hòa của màu nước xanh ngắt, của quần thể đảo đá vôi và núi đá vôi nổi trên mặt nước. Không những vậy, mẹ thiên nhiên còn ưu ái Vịnh Hạ Long khi tạo ra hệ thống các hang động trên các đảo đá vôi. Hệ thống hang động này đã trải qua hàng ngàn năm biến đổi để có được vẻ đẹp huyền bí, là điểm đến thu hút khách du lịch.

Không chỉ đẹp về cảnh sắc, Vịnh Hạ Long còn là chứng nhân lặng lẽ của bao biến thiên lịch sử. Sóng nước nơi đây từng soi bóng những đoàn thuyền giữ nước, từng chứng kiến khí phách của bao lớp người nối nhau gìn giữ giang sơn. Chính bởi vậy, vẻ đẹp của Hạ Long không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn là vẻ đẹp trầm tích của văn hóa, của lòng người.

Vịnh Hạ Long – không chỉ là thắng cảnh – mà là niềm tự hào, là hồn cốt Việt Nam thấm đẫm trong từng làn mây, ngọn sóng. Để khi ai đã một lần đến, cũng mang theo trong lòng một nỗi lưu luyến không nguôi như mang theo một phần thiêng liêng của đất nước mình.

Qua đây ta thấy vịnh Hạ Long rất xứng đáng là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nếu những ai đã được đặt chân đến đây thì chắc hẳn rất ấn tượng bởi cảnh đẹp và con người nơi đây. Còn những ai chưa đến thì hãy nhanh chóng đến mà tận hưởng những gì là tạo hóa ban tặng, những gì là mẹ thiên nhiên.

Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo!

Mẫu 3+ bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử mà em yêu thích nhất? (Hình ảnh từ Internet)

Yêu cầu về năng lực văn học của học sinh lớp 9 thế nào?

Căn cứ tại Chương trình phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về yêu cầu năng lực văn học của học sinh lớp 9 như sau:

– Ở lớp 8 và lớp 9:

+ Hiểu được thông điệp, tư tưởng, tình cảm và thái độ của tác giả trong văn bản; nhận biết được kịch bản văn học, tiểu thuyết và truyện thơ Nôm, thơ cách luật và thơ tự do, bi kịch và hài kịch; nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, hình tượng văn học;

+ Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật thuộc mỗi thể loại văn học (sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật, điểm nhìn, xung đột, luật thơ, kết cấu, từ ngữ, mạch cảm xúc trữ tình; các biện pháp tu từ như điệp ngữ, chơi chữ, nói mỉa, nghịch ngữ).

+ Nhận biết một số nét khái quát về lịch sử văn học Việt Nam; hiểu tác động của văn học với đời sống của bản thân.

Yêu cầu phần viết của học sinh lớp 9 môn Ngữ Văn quy định ra sao?

Căn cứ tại Chương trình phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về phần viết của học sinh lớp 11 môn Ngữ văn như sau:

– Quy trình viết

+ Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, người đọc, hình thức, thu thập thông tin, tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

+ Có hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, biết cách trích dẫn văn bản của người khác.

– Thực hành viết

+ Viết được một truyện kể sáng tạo, có thể mô phỏng một truyện đã đọc; sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong truyện.

+ Bước đầu biết làm một bài thơ tám chữ. Viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.

+ Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

+ Viết được một văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.

+ Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.

+ Viết được một quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động, sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.



Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt