Được cộng đến 1,5 điểm khuyến khích khi tuyển sinh lớp 10 đối với học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh? Tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 có quy định như thế nào?
Từ 14/02/2025, đăng kí tuyển sinh lớp 10 như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về việc đăng ký tuyển sinh lớp 10 như sau:
– Việc đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
– Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông đối với các trường thuộc phạm vi quản lí.
Đối với các trường, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, việc đăng kí tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh được cộng đến 1,5 điểm khuyến khích khi tuyển sinh lớp 10 từ 14/02/2025?
Căn cứ theo Điều 14 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về các trường hợp tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh trung học phổ thông như sau:
Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh trung học phổ thông…3. Đối tượng được cộng điểm khuyến khícha) Học sinh trung học cơ sở đạt giải cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức trên quy mô toàn tỉnh đối với các cuộc thi có tổ chức ở cấp quốc gia theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này.b) Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 (mười) đối với mỗi môn thi, bài thi. Trong đó giải nhất được cộng 1,5 điểm; giải nhì được cộng 1,0 điểm; giải ba được cộng 0,5 điểm.
Như vậy, học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức sẽ được cộng đến 1,5 điểm khuyến khích.
Lưu ý: Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi.
Học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh được cộng đến 1,5 điểm khuyến khích khi tuyển sinh lớp 10 từ 14/02/2025? (Hình ảnh từ Internet)
Tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 có quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 13 Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về các trường hợp tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh trung học phổ thông như sau:
(1) Môn thi, bài thi
– Số môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:
+ Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp;
+ Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
– Môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm.
– Thời gian làm bài thi: môn Ngữ văn: 120 phút; môn Toán: 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba: 60 phút hoặc 90 phút; bài thi thứ ba: 90 phút hoặc 120 phút.
– Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 9.
– Đối với việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên, học sinh phải thi các môn thi, bài thi quy định tại khoản này và 01 (một) môn thi chuyên. Mỗi môn chuyên có 01 (một) đề thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
(2) Ra đề thi
– Công tác ra đề thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo quản đề thi. Đề thi bảo đảm tính chính xác, khoa học và tính sư phạm; có đề thi chính thức và đề thi dự bị; mỗi đề thi có đáp án, hướng dẫn chấm thi.
– Hội đồng ra đề thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo;
+ Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo;
+ Thư kí, người soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi; lực lượng công an; nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ.
Thư kí, người soạn thảo đề thi và người phản biện đề thi là chuyên viên, cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp, am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở.
Mỗi môn thi có ít nhất 01 (một) người soạn thảo đề thi hoặc phản biện đề thi là giáo viên cấp trung học cơ sở.
Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển, Hội đồng ra đề thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định thành lập.
– Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng ra đề thi:
+ Xây dựng kế hoạch làm việc;
+ Phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Hội đồng;
+ Tổ chức soạn thảo đề thi; tổ chức phản biện đề thi;
+ Duyệt đề thi chính thức, đề thi dự bị, hướng dẫn chấm thi của đề thi chính thức và đề thi dự bị;
+ Xử lí hoặc đề nghị xử lí sự cố bất thường trong quá trình ra đề thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật đề thi theo quy định;
+ Xem xét, quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với các thành viên của Hội đồng theo quy định.
(3) Coi thi
– Công tác coi thi phải bảo đảm công bằng, an toàn, nghiêm túc. Quy trình coi thi và phân công trách nhiệm các thành phần tham gia coi thi phải đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm tính độc lập, khách quan giữa các khâu; có biện pháp hiệu quả để chống gian lận trong thi cử.
Bố trí cơ cấu giám thị coi thi, giám thị giám sát coi thi phù hợp với số lượng phòng thi. Số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi không quá 24 (hai mươi bốn) thí sinh, mỗi phòng thi bố trí 02 (hai) giám thị coi thi.
– Hội đồng coi thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở; Phó chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở; thư kí và giám thị coi thi, giám thị giám sát coi thi là giảng viên, giáo viên, chuyên viên; lực lượng công an; nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ.
Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển, Hội đồng coi thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định thành lập.
– Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng coi thi: xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Hội đồng; tổ chức cho các thành viên của Hội đồng và thí sinh học tập, nắm vững, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản khác liên quan; tổ chức coi thi; xử lí hoặc đề nghị xử lí các sự cố bất thường trong quá trình coi thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật đề thi theo quy định; xem xét, quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với các thí sinh và các thành viên của Hội đồng theo quy định.
(4) Chấm thi
– Việc chấm thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: nhận bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, làm phách, tổ chức chấm thi. Việc chấm thi phải bảo đảm chính xác, khách quan theo đáp án và hướng dẫn chấm thi.
Với việc chấm thi tự luận, phải tổ chức chấm chung ít nhất 10 (mười) bài thi; tổ chức chấm hai vòng độc lập. Với việc chấm thi trắc nghiệm, nếu sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm, phải tổ chức tập huấn cho giám khảo về sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi sử dụng.
– Hội đồng chấm thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; thư kí, giám khảo; lực lượng công an; nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ. Thư kí, giám khảo là giảng viên, giáo viên, chuyên viên; giám khảo chấm thi tự luận là người am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở; giám khảo chấm thi trắc nghiệm là người sử dụng thành thạo phần mềm chấm trắc nghiệm.
Đối với các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển, Hội đồng chấm thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định thành lập.
– Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng chấm thi: xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng; phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Hội đồng; tổ chức làm phách; tổ chức chấm thi; ghép phách, lên điểm thi; xử lí hoặc đề xuất xử lí các sự cố bất thường trong quá trình chấm thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật bài thi theo quy định; xem xét quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với các thành viên của Hội đồng theo quy định.
(5) Phúc khảo bài thi
– Việc phúc khảo bài thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: rút bài thi, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, chấm phúc khảo bài thi; quy trình chấm phúc chấm phúc khảo thực hiện như quy trình chấm thi.
– Thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng phúc khảo bài thi thực hiện như thành phần, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng chấm thi quy định tại khoản 4 Điều này. Giám khảo của Hội đồng phúc khảo bài thi không trùng với giám khảo của Hội đồng chấm thi.
(6) Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông
Điểm xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 (mười) với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.
Lưu ý: Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ quy định tại Quy chế này quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế.
Các trường trung học phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyên riêng thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hoặc thực hiện theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt