Đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 được quy định như thế nào?

Quy định đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT như thế nào? Thủ tục đặc cách tốt nghiệp...



Quy định đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT như thế nào? Thủ tục đặc cách tốt nghiệp THPT 2025 được quy định ra sao?






Đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 40 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT quy định về đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 như sau:

(1) Người học thuộc các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT gồm:

Người đã hoàn thành Chương trình GDPT/GDTX trong năm tổ chức kỳ thi; người đã hoàn thành Chương trình GDPT/GDTX nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; được xét đặc cách tốt nghiệp THPT trong trường hợp bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi.

– Điều kiện: Đủ điều kiện dự thi, có kết quả rèn luyện và học tập cả năm ở lớp 12 đều được đánh giá từ mức khá trở lên;

– Hồ sơ gồm: Hồ sơ nhập viện, ra viện (hoặc xác nhận đang điều trị) do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt); biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp THPT của trường phổ thông nơi ĐKDT và hồ sơ minh chứng về kết quả rèn luyện và học tập ở lớp 12.

(2) Người học thuộc các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT gồm:

Người đã hoàn thành Chương trình GDPT/GDTX trong năm tổ chức kỳ thi; người đã hoàn thành Chương trình GDPT/GDTX nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; được xét đặc cách tốt nghiệp THPT trong trường hợp bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại.

– Điều kiện: Đủ điều kiện dự thi, có điểm của những bài đã thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đều đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên; được đánh giá kết quả rèn luyện cả năm lớp 12 từ mức khá trở lên và kết quả học tập từ mức đạt trở lên;

– Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị xét đặc cách của thí sinh; hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt) và hồ sơ minh chứng về kết quả rèn luyện và học tập ở lớp 12.

(3) Các đối tượng là vận động viên đủ điều kiện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2019/NĐ-CP gồm:

– Vận động viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu thì được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định của pháp luật.

– Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

– Cơ quan sử dụng vận động viên có trách nhiệm như sau:

+ Tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa cho vận động viên thể thao thành tích cao sau khi vận động viên tham dự tập huấn, thi đấu tại các giải thể thao trong nước và quốc tế; chi trả các khoản chi phí liên quan đến việc tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa cho vận động viên;

+ Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; thông tin, tuyên truyền về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, thế giới và tình hình hoạt động của ngành cho huấn luyện viên, vận động viên;

+ Khuyến khích, tạo điều kiện cho huấn luyện viên, vận động viên học ngoại ngữ, tin học, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động xã hội.

– Điều kiện: Đủ điều kiện dự thi; đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế; thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế;

– Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị xét đặc cách của thí sinh; minh chứng về việc đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế; minh chứng về việc thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trùng với thời gian vận động viên tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

Đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 được quy định như thế nào?

Đối tượng đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Thủ tục đặc cách tốt nghiệp THPT 2025 được quy định ra sao?

Căn cứ khoản 4 Điều 40 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT quy định về thủ tục đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2025 như sau:

– Chậm nhất 07 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh ĐKDT. Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh ĐKDT chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho sở GDĐT;

– Trong vòng 30 ngày kể từ khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT xem xét, quyết định đặc cách cho thí sinh căn cứ hồ sơ và các quy định tại khoản 1, 2 Điều 40 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT.

Trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT là gì?

Căn cứ theo Điều 59 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm của Bộ GDĐT như sau:

– Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt và các tình huống bất thường khác.

– Cung cấp các hệ thống phần mềm, văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn để phục vụ công tác tổ chức thi bảo đảm thống nhất trên toàn quốc.

– Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia để chỉ đạo tổ chức kỳ thi.

– Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo quy định của pháp luật.

– Quy định cấu trúc định dạng đề thi, công bố đề tham khảo cho kỳ thi.

– Ban hành các quy định, yêu cầu đối với Hội đồng ra đề thi.

– Tổ chức ra đề thi và hướng dẫn về quy trình vận chuyển đề thi từ Hội đồng ra đề thi tới các Ban In sao đề thi.

– Ban hành các quy định, quy trình và hướng dẫn chuẩn bị để tổ chức thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm tại một số địa phương có đủ điều kiện.

– Đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi; phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn trong kỳ thi.



Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt