Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được lên lớp khi đáp ứng điều kiện nào?
Điều kiện để học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được lên lớp là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định điều kiện để học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được lên lớp là:
– Kết quả rèn luyện cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại sau khi rèn luyện trong kì nghỉ hè theo quy định tại Điều 13 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT) được đánh giá mức Đạt trở lên.
– Kết quả học tập cả năm học (bao gồm kết quả đánh giá lại các môn học theo quy định tại Điều 13 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT) được đánh giá mức Đạt trở lên.
– Nghỉ học không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 01 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục thường xuyên, bao gồm nghỉ học có phép và không phép, nghỉ học liên tục hoặc không liên tục).
Điều kiện để học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được lên lớp là gì? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu hình thức đánh giá kết quá rèn luyện và học tập đối với học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT thì có 2 hình thức đánh giá kết quá rèn luyện và học tập đối với học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên là đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số, cụ thể như sau:
– Đánh giá bằng nhận xét
+ Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
+ Học viên dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.
+ Cha mẹ học viên hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học viên cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của viên.
+ Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học viên được sử dụng trong đánh giá thường xuyên thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học.
– Đánh giá bằng điểm số
+ Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên.
+ Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên phù hợp với đặc thù của môn học.
Việc đánh giá kết quả thường xuyên của học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT thì việc đánh giá kết quả thường xuyên của học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên được quy định như sau:
– Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
– Đối với mỗi môn học, mỗi học viên được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào Sổ theo dõi và đánh giá học viên (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT.
– Mỗi môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên (sau đây viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi học kì như sau:
+ Môn học có 35 tiết/năm học: 02 ĐĐGtx.
+ Môn học có từ 36 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 ĐĐGtx.
+ Môn học có từ 71 tiết/năm học trở lên: 04 ĐĐGtx.
– Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học viên được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó và ghi vào Sổ theo dõi và đánh giá học viên (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt