Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học muốn hoạt động đào tạo thì phải đáp ứng điều kiện gì? Trình tự thủ tục cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo ra sao?
Thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học mới phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 98 Nghị định 125/2024/NĐ-CP có quy định về điều kiện thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học như sau:
– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đã được phê duyệt;
– Có văn bản chấp thuận về việc thành lập phân hiệu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đại học đặt phân hiệu;
– Có diện tích đất xây dựng phân hiệu tối thiểu là 02 ha. Địa điểm xây dựng phân hiệu phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; không đặt gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm;
– Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học công lập phải có dự án đầu tư xây dựng phân hiệu được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch.
Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu); vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản; đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Điều kiện cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 100 Nghị định 125/2024/NĐ-CP có quy định về điều kiện cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo như sau:
(1) Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập phân hiệu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(2) Có cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(3) Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(4) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo và quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
(5) Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của phân hiệu theo đúng cam kết trong đề án thành lập phân hiệu;
(6) Có quy chế tổ chức và hoạt động của phân hiệu, gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Vị trí pháp lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phân hiệu; tổ chức bộ máy; hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động; nhiệm vụ và quyền của người học; các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của phân hiệu.
Điều kiện cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Trình tự thủ tục cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo ra sao?
Căn cứ theo Điều 97 Nghị định 125/2024/NĐ-CP có quy định về trình tự thủ tục cho phép phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học hoạt động đào tạo như sau:
(1) Hồ sơ gồm:
– Tờ trình đề nghị cho phép trường đại học hoạt động đào tạo (theo Mẫu số 05 Phụ lục 3 kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP);
– Báo cáo tình hình thực hiện cam kết theo đề án thành lập trường (theo Mẫu số 06 Phụ lục 3 kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP);
– Báo cáo thuyết minh các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo (theo Mẫu số 07 Phụ lục 3 kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP);
– Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Vị trí pháp lý của nhà trường; tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường; tổ chức bộ máy; hoạt động đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng giáo dục; nhiệm vụ và quyền của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động; nhiệm vụ và quyền của người học; quản lý tài chính, tài sản; các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của nhà trường.
(2) Trình tự thực hiện:
Bước 1: Trường đại học gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại (1) qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho trường biết để sửa đổi, bổ sung;
Bước 3: Đối với hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo của trường đại học.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc cho phép trường đại học hoạt động đào tạo; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho trường đại học và nêu rõ lý do.
Quyết định cho phép trường đại học hoạt động đào tạo (theo Mẫu số 13 Phụ lục 3 kèm theo Nghị định 125/2024/NĐ-CP) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lưu ý: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép trường đại học hoạt động đào tạo.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt