Học sinh tìm hiểu các khái niệm về điển tích, điển cố, đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố? Học sinh lớp 9 được học những kiến thức văn học gì?
Điển tích điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố?
Điển tích điển cố là những yếu tố văn học mang đậm màu sắc cổ điển, được trích dẫn từ những câu chuyện, sự kiện lịch sử, văn thơ, hoặc nhân vật nổi tiếng trong quá khứ.
(1) Điển tích là những tích truyện xưa, đây thường là những câu chuyện kể về những người anh hùng, những tấm gương hiếu thảo, chính trực, đạo đức hoặc những truyện có tính triết lý nhân văn trong lịch sử; những câu thơ, câu văn cổ xưa kinh điển xuất hiện trong các tác phẩm …
– Ví dụ:
+ Trong câu: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi)
+ Điển tích (in đậm) lấy ý từ một truyện xưa bên Trung Quốc: “Có một vị chỉ huy khéo dùng binh. Nhân có người dâng một vò rượu ngon, ông liền cho hoà vò rượu đó vào nước sông để mội người cùng uống khiến quân sĩ cảm động, đồng lòng đánh giặc.”
(2) Điển cố là những chuyện xưa tích cũ lấy trong văn hóa xưa nay của nhân loại. Đó có thể là tên một câu chuyện, tên một vùng đất hay tên nhân vật, hoặc một hình tượng văn học đầy chất thơ hay đậm chất bi, chất hài chứa đựng bao triết lý sâu xa về cuộc sống muôn màu muôn vẻ…
– Ví dụ:
+ Trong câu thơ: “Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.” (Nguyễn Du)
+ Điển cố (in đậm) được dẫn lại từ Kinh thi (ca dao cổ Trung Quốc): “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không trông thấy mặt lâu bằng ba mùa thu – ba năm).
Đặc điểm của điển tích điển cố:
– Nguồn gốc: Xuất phát từ các tác phẩm văn học, lịch sử, dân gian có giá trị.
– Tính cô đọng: Mang trong mình ý nghĩa sâu sắc, hàm súc, cô đọng.
– Tính đa nghĩa: Có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh.
– Tính gợi hình: Tạo ra những hình ảnh, liên tưởng sinh động, gợi cảm.
– Tính truyền thống: Là một phần di sản văn hóa của dân tộc.
Tác dụng của điển tích điển cố:
– Làm phong phú ngôn ngữ: Tạo ra sự đa dạng và phong phú cho cách diễn đạt.
– Tăng sức gợi hình, gợi cảm: Giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về sự vật, hiện tượng được miêu tả.
– Tăng sức biểu cảm: Thể hiện rõ nét tình cảm, cảm xúc của người viết.
– Nâng cao giá trị thẩm mỹ của văn bản: Làm cho văn bản trở nên uyên bác, sang trọng hơn.
– Tạo ra sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại: Giúp người đọc hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc.
Lưu ý: Nội dung Điển tích điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố? chỉ mang tính chất tham khảo.
Bài tập về điển tích, điển cố
Xác định điển tích, điển cố và nêu tác dụng của việc sử dụng điển tích, điển cố trong các trường hợp sau:
a.
Trướng hùm mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Tiên nghiêm, trống chửa dứt hồi,
Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên.
(Nguyễn Du, truyện Kiều)
b.
Cho gươm mời đến Thúc Lang,
Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.
Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non,
Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
Sâm, Thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
Gần trăm cuối, bạc nhìn cân.
Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là, […]”
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
Điển tích, điển cố trong các câu:
a. chữ hùm, Nguyễn Du dùng để chỉ phong thái của người anh hùng Từ Hải. Nói về sự uy nghi của một phiên tòa báo ân báo oán đang được mở, mà Kiều và Từ Hải là chủ tọa.
b. Điển cố: Sâm, Thương: tức là để chỉ sao Sâm và sao Thương. Qua đó, để chỉ tình cảm cách biệt, không bao giờ có thể gặp nhau.
Lưu ý: Nội dung Điển tích điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố? chỉ mang tính chất tham khảo.
Điển tích điển cố là gì? Đặc điểm và tác dụng của điển tích điển cố? Những kiến thức văn học mà học sinh lớp 9 được học là gì? (Hình từ Internet)
Những kiến thức văn học mà học sinh lớp 9 được học là gì?
Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về kiến thức văn học mà học sinh lớp 9 được học như sau:
– Nội dung và hình thức văn bản văn học
– Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tác phẩm
– Cốt truyện, nhân vật; lời thoại trong truyện thơ Nôm
– Không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện trong truyện truyền kì và truyện trinh thám
– Lời người kể chuyện và lời nhân vật; lời đối thoại và lời độc thoại trong văn bản truyện
– Thơ song thất lục bát: khổ thơ, số chữ, số dòng, vần, nhịp,
– Xung đột, hành động, cốt truyện, nhân vật, lời thoại trong kịch bản văn học (bi kịch)
– Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của lịch sử văn học trong đọc hiểu văn bản
Học sinh lớp 9 cần đảm bảo các yêu cầu về thực hành viết như thế nào?
Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về các yêu cầu cần đạt về thực hành viết đối với học sinh lớp 9 như sau:
– Viết được một truyện kể sáng tạo, có thể mô phỏng một truyện đã đọc; sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong truyện.
– Bước đầu biết làm một bài thơ tám chữ. Viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.
– Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.
– Viết được một văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả thẩm mĩ của nó.
– Viết được bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh hoạ.
– Viết được một quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động, sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt