Hướng dẫn chi tiết cách trình bày thư UPU lần thứ 54? Mục tiêu cốt lõi của giáo dục trung học cơ sở là gì?
Cách trình bày thư UPU lần thứ 54 năm 2025?
Căn cứ vào thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 54 năm 2025 được đăng tải trên Trang Fanpage chính thức của Cuộc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam có quy định về bức thư dự thi như sau:
– Bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.
– Các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.
– Bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.
– Ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên là không hợp lệ.
Về chủ đề viết thư UPU 54 năm 2025 là: “TƯỞNG TƯỢNG BẠN LÀ ĐẠI DƯƠNG. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt.”
Dưới đây là một số hướng dẫn cách trình bày thư UPU lần thứ 54 năm 2025 mà các bạn có thể tham khảo:
(1) Kỹ thuật viết
Để có một bức thư tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU đúng quy định, việc đầu tiên, các em hãy đọc kỹ Thể lệ của cuộc thi. Thể lệ là văn bản được Ban Tổ chức cuộc thi tại Việt Nam công bố chính thức được soạn thảo từ các đơn vị phối hợp gồm: Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Từ đó, Thể lệ của cuộc thi được chuyển đển các nhà trường và các bạn học sinh. Trong Thể lệ cuộc thi có các lưu ý quan trọng:
– Bức thư viết dưới dạng văn xuôi và phải theo đúng thể thức của một bức thư:
+ Phần đầu thư có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư;
+ Phần nội dung thư phải chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm. Dòng cuối cùng, phía bên phải bức thư có ký tên người viết.
– Bức thư dài quá không 800 từ, ghi đầy đủ địa chỉ của mình trên góc trên cùng bên trái của bức thư.
Lưu ý: không viết tên hay địa chỉ của mình (tức là không viết thông tin cá nhân) trong phần nội dung bức thư.
– Trước khi gửi đi, bức thư phải được cho vào phong bì, dán tem bưu chính và ghi số hiệu 11611 ngoài phong bì. Đó là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng – nơi nhận những bức thư của các em.
– Em hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc, giàu cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu có nhiều chi tiết sinh động, cách so sánh, liên hệ hay ví von hợp lý thì bức thư càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.
Bên cạnh Thể lệ, Ban Tổ chức soạn “Cẩm nang hỏi đáp”, trả lời và giải thích thắc mắc của các thí sinh khi tham gia cuộc thi. Cẩm nang được đăng tải trên các kênh thông tin chính thức của cuộc thi, trên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.
Một bức thư tham gia cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học được viết bởi sự sáng tạo và cảm xúc mang dấu ấn khác biệt của người viết thư. Các thí sinh sẽ là tác giả của bức thư, hãy chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc, vấn đề của mình sao cho thuyết phục nhất. Bức thư đoạt giải cao thường là bức thư có ý tưởng độc đáo, có cách lập luận sáng rõ với hành văn vừa giản dị, vừa giàu tính biểu cảm.
(2) Về chủ đề
Mỗi năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) luôn chọn vấn đề nổi bật, mang tính toàn cầu để đưa ra chủ đề của cuộc thi. Vì thế, khi tham gia cuộc thi, các em không chỉ được rèn kỹ năng viết văn mà còn có cơ hội thể hiện sự hiểu biết, suy nghĩ và trách nhiệm của mình về những vấn đề lớn của thời đại.
Chủ đề cuộc thi năm nay: “TƯỞNG TƯỢNG BẠN LÀ ĐẠI DƯƠNG. Hãy viết một bức thư cho ai đó giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Qua đó có thể thấy, những “từ khóa” cần giải quyết trong bức thư hiện ra khá rõ ràng:
Chủ đề năm nay yêu cầu rất rõ: “Tưởng tượng bạn là đại dương”, vậy nên trước khi viết bức thư, các thí sinh phải có kiến thức cơ bản về Đại dương. Ít nhất cũng phải nắm được khái niệm đại dương là gì? Đại dương có vị trí, vai trò thế nào đối với hệ sinh thái của Trái đất? Rồi đại dương có phải là biển không, đại dương và biển có đặc tính gì chung và riêng? Hay mình có thể hóa thân vào một loài vật sống trong lòng biển để cất lên tiếng nói của Đại dương gửi tới loài người được không?…
Sau khi đã xác định rõ chủ thể và có sự hiểu biết căn bản về Đại dương, bước tiếp theo có một từ khóa các em cần làm rõ. Từ khóa này là “một ai đó” – người sẽ nhận được bức thư của bạn. Chọn người nhận thư là ai cũng yêu cầu tính sáng tạo rất quan trọng. Bởi người nhận thư ấy sẽ là người đồng hành với người viết từ đầu cho đến cuối bức thư. Là người lắng nghe những chia sẻ của các em, đồng thời có thể cùng tham gia những hành động thiết thực giúp các bạn giải quyết câu chuyện riêng của mình, trong đó chứa đựng nhiều hy vọng, hoài bão tốt đẹp cho tương lai của nhân loại.Sau cùng, trong cụm từ khóa “giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt” – khi các bạn đã hiểu và giải quyết được các chữ in đậm là coi như nhiệm vụ quan trọng nhất đã cơ bản hoàn thành.
Ở cụm từ này, việc các bạn đưa ra được lý do nào thôi thúc mình buộc phải viết thư (thông qua việc cho thấy được ích lợi, thực trạng của đại dương) và bằng cách nào (thông qua hành động cụ thể, đề xuất giải pháp, sáng tạo hiệu quả) là các bạn đã giải quyết thấu đáo vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ đại dương đối với sự sống còn của hành tinh, sự tồn vong của cả nhân loại. Các thí sinh phải nhớ, từ khóa “Bạn” ở đây chính là đại dương, đấy.
Trong bức thư, cần cho người nhận thư nói riêng, người đọc nói chung thấy được, bên cạnh ý nghĩa góp phần vào sự sống còn của toàn bộ hệ sinh thái Trái đất như: điều hòa khí hậu, tạo ra 50% lượng oxy mà con người hít thở, cung cấp protein và chất dinh dưỡng thiết yếu cho hàng tỷ người mỗi ngày, cung cấp cho chúng ta các loại thuốc quan trọng, cung cấp môi trường sống cho các hệ động thực vật… Đại dương còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, thi ca, nhạc họa, phim ảnh… trong đời sống tinh thần của loài người. Đồng thời đại dương cũng giữ cả vai trò là cái nôi nuôi dưỡng, bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng, giúp loài người nhận ra sự kết nối vô tận của mỗi cá nhân với vũ trụ.
Nhưng thực trạng – tình trạng sức khỏe của đại dương hiện nay ra sao? Rác thải nhựa, hiệu ứng nhà kính và việc khai thác sản vật từ đại dương… một cách không kiểm soát đã làm tàn hoại sức khỏe của đại dương như thế nào? Tương lai của trái đất này sẽ đi về đâu khi sức khỏe của đại dương càng ngày càng suy yếu?… Trả lời được những câu hỏi như vậy các thí sinh sẽ biết hướng thông điệp của mình tới sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và sự an toàn đại dương theo cách mà đại dương đã chăm sóc chúng ta hàng ngàn năm qua là vô cùng cấp thiết.
Các thí sinh có thể tham khảo một bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54 năm 2025 dưới đây:
Mẫu viết thư UPU lần thứ 54 năm 2025 – Mẫu số 1 Chào các bạn, Tôi là Đại Dương, một thế giới bao la và huyền bí, nơi chứa đựng vô vàn sinh vật biển và hệ sinh thái phong phú. Tôi viết thư này để chia sẻ với các bạn về vai trò quan trọng của tôi đối với sự sống trên Trái Đất và những hành động mà các bạn có thể thực hiện để bảo vệ và chăm sóc tôi. Trước tiên, tôi muốn các bạn hiểu rằng tôi không chỉ là một đại dương mênh mông. Tôi là nơi sinh sống của hàng triệu loài sinh vật, từ những vi sinh vật bé nhỏ như plankton đến những sinh vật vĩ đại như cá voi. Tôi cung cấp nguồn thực phẩm, điều hòa khí hậu và sản xuất một phần lớn oxy cho hành tinh của các bạn. Tuy nhiên, hiện tại, tôi đang đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng như ô nhiễm, biến đổi khí hậu và khai thác quá mức. Ô nhiễm là một trong những vấn đề lớn nhất mà tôi đang phải gánh chịu. Rác thải nhựa, hóa chất độc hại và dầu tràn đang làm hại các hệ sinh thái biển và giết chết nhiều loài sinh vật. Các bạn có thể giúp tôi bằng cách hạn chế sử dụng nhựa, tái chế và xử lý rác thải đúng cách. Hãy tham gia các hoạt động dọn dẹp bãi biển và ủng hộ các tổ chức bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu cũng đang tác động xấu đến tôi. Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng khiến băng tan ở các vùng cực, làm nước biển dâng và gây mất đi môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển. Các bạn có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện và giảm khí thải carbon. Hãy ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường và tham gia vào các sáng kiến phát triển bền vững. Khai thác quá mức cũng là một vấn đề lớn đang đe dọa sự cân bằng của tôi. Việc đánh bắt cá không bền vững và khai thác tài nguyên biển quá mức đang làm giảm số lượng cá và phá hủy các rạn san hô. Các bạn có thể giúp đỡ bằng cách tiêu thụ hải sản có nguồn gốc bền vững, lựa chọn các sản phẩm được chứng nhận và ủng hộ những biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản hợp lý. Ngoài ra, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng rất quan trọng. Hãy chia sẻ thông tin và kiến thức về bảo vệ đại dương với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Hãy tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tôi, vì một đại dương sạch và khỏe mạnh. Cuối cùng, tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng mỗi hành động nhỏ của các bạn đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Hãy yêu quý và bảo vệ tôi như bảo vệ ngôi nhà của mình. Tôi tin rằng, với sự chung tay của tất cả mọi người, chúng ta sẽ giữ cho tôi mãi xanh, sạch và tràn đầy sự sống. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và hành động vì một tương lai bền vững cho đại dương và hành tinh của chúng ta. Thân ái, Đại Dương. |
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Cách trình bày thư UPU lần thứ 54 năm 2025? Giáo dục trung học cơ sở có mục tiêu cốt lõi là gì? (Hình ảnh từ Internet)
Mục tiêu cốt lõi của giáo dục trung học cơ sở là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục 2019 quy định về mục tiêu cốt lõi của giáo dục trung học cơ sở như sau:
Mục tiêu của giáo dục phổ thông1. Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.2. Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.3. Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.….
Như vậy, theo quy định nêu trên thì mục tiêu cốt lõi của giáo dục trung học cơ sở như sau:
– Nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học.
– Bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp
Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh THCS dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 22/2021/BGDĐT có quy định về căn cứ đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trung học cơ sở như sau:
(1) Đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.
(2) Giáo viên môn học căn cứ quy định tại (1) nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học.
(3) Giáo viên chủ nhiệm căn cứ quy định (1) theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh; tham khảo nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét; trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo các mức quy định tại (2).
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt