Tham khảo các mẫu bài văn tả người lớp 5 hay và ngắn gọn? Yêu cầu năng lực viết môn Tiếng Việt lớp 5 thế nào?
10+ bài văn tả người lớp 5 điểm cao và ngắn gọn?
Dưới đây là tổng hợp các bài văn tả người lớp 5 mà các bạn học sinh có thể tham khảo:
(1) Bài văn tả người lớp 5 – Tả Mẹ
Mẫu số 1:
Mẹ em là người em yêu quý nhất trong gia đình. Năm nay mẹ em 35 tuổi, dáng người cao, gầy và rất dịu dàng. Mái tóc mẹ đen nhánh, dài ngang lưng và lúc nào cũng gọn gàng. Khuôn mặt mẹ tròn, phúc hậu với đôi mắt sáng và nụ cười thật ấm áp. Khi mẹ cười, em cảm thấy như mọi mệt mỏi trong ngày đều tan biến.
Hằng ngày, mẹ luôn bận rộn với công việc ở cơ quan và chăm sóc gia đình. Dù công việc nhiều nhưng mẹ vẫn dành thời gian để dạy em học và trò chuyện cùng em. Đôi bàn tay của mẹ khéo léo biết bao! Mẹ nấu những món ăn ngon, là người chăm chút cho ngôi nhà luôn sạch sẽ, ấm cúng. Mẹ còn dạy em cách sống thật tốt, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người.
Em rất yêu mẹ. Mẹ không chỉ là người sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là người bạn thân thiết nhất của em. Em hứa sẽ cố gắng học giỏi và ngoan ngoãn để không phụ lòng mẹ.
Mẫu số 2:
Trong gia đình, mẹ là người gần gũi và yêu thương em nhất. Mẹ em năm nay 36 tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Mái tóc mẹ màu đen, hơi xoăn nhẹ, lúc nào cũng thơm mùi dầu gội. Gương mặt mẹ hiền từ, làn da nâu khỏe khoắn làm mẹ thêm phần đẹp đẽ. Đôi mắt mẹ sáng, chứa đựng đầy tình yêu thương dành cho gia đình.
Mỗi ngày, mẹ em đều dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng và lo cho em đi học. Sau đó, mẹ đi làm cả ngày tại công ty nhưng vẫn không quên nhắn nhủ em phải cố gắng học tập. Buổi tối, mẹ thường ngồi bên cạnh em, giúp em giải đáp những bài toán khó và kể cho em nghe những câu chuyện thú vị. Đôi tay mẹ đầy những vết chai, nhưng với em, đó là đôi tay đẹp nhất vì đã làm biết bao điều để chăm lo cho gia đình.
Em rất yêu mẹ và luôn tự hào về mẹ. Mẹ là chỗ dựa vững chắc, là ánh sáng dẫn đường cho em trong cuộc sống. Em mong mẹ luôn mạnh khỏe để mãi là người đồng hành tuyệt vời của em.
(2) Bài văn tả người lớp 5 – Tả Bố
Mẫu số 1:
Gia đình em có bốn người: mẹ, bố, anh hai và em. Mẹ em lúc nào cũng dễ tính và hay nuông chiều con cái, còn bố em thì ngược lại, rất nghiêm túc. Thế nhưng em vẫn kính yêu bố em vô cùng.
Nhìn bố, ít ai nghĩ rằng ba đang ở vào độ tuổi bốn mươi lăm. Vì tóc bố vẫn còn đen, chỉ có vài sợi tóc trắng. Người bố hơi cao, không mập lắm, nên có vẻ khỏe khoắn. Sở dĩ được như vậy là do bố em năng tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Nghe bà nội em kể rằng, thuở nhỏ bố em rất thích chơi thể thao; bóng chuyền, bóng bàn môn nào bố cũng giỏi. Gương mặt bố hao hao hình chữ điền, trông đầy nét cương nghị.
Hàng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan về, bố em còn cuốc đất vun gốc cho mấy cây trồng xung quanh nhà. Cho nên, tuy vườn không phải là rộng lắm nhưng có nhiều thứ hoa quả. Cây nào cây nấy thẳng lối ngay hàng, đẹp chẳng khác chi một công viên nho nhỏ.
Đêm đêm, bố em hay thức tới khuya để làm thêm một số công việc tăng thu nhập cho gia đình. Em biết rõ điều đó lắm. Vì chúng em mà bố em phải chịu nhiều vất vả. Nhưng bố nào có quản khó nhọc gì đâu. Bố thường nói với mẹ em rằng, dù cực khổ mấy cũng chịu được, miễn là nhìn thấy chúng em ngoan ngoãn, siêng năng học hành là ba đã vui rồi. Bây giờ em mới hiểu câu “Công cha như núi Thái Sơn” thật là cao cả biết dường nào.
Những lúc rảnh rỗi, bố em thường dắt chúng em đi dạo quanh làng. Vừa đi, bố vừa kể chuyện hay giảng giải những điều thắc mắc chúng em thường gặp. À, mà sao cái gì bố cũng biết, biết nhiều thứ lắm. Anh Hai và em cứ nhờ bố giảng cho bài văn, hướng dẫn cho bài toán. Bố đúng là ông thầy thứ hai, ở nhà.
Em rất kính yêu bố em. Nhờ có bố mà cả gia đình sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Cho nên, lúc nào, em cũng cố gắng học thật giỏi để ba em được vui lòng.
Mẫu số 2:
Tôi rất thích câu thơ của một nhà thơ khuyết danh về tình thương yêu và sự hi sinh của cha mẹ “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Nếu mẹ là người yêu thương ta vô bờ bến, thì cha là người âm thầm hi sinh, gánh bao nhọc nhằn, khổ cực cuộc đời để nuôi nấng ta thành người. Tôi thích câu thơ ấy, bởi mỗi khi nghe nó, tôi lại nghĩ về người ba thân yêu của mình.
Ba tôi năm nay gần bốn mươi tuổi, độ tuổi mà con người ta cường tráng nhất, oai phong nhất. Dáng người ba cân đối với vẻ cao ráo cùng làn da nâu toát lên vẻ khỏe khoắn. Khuôn mặt góc cạnh tạo nên nét cương nghị, nghiêm khắc của một người đàn ông trưởng thành. Khuôn mặt ấy đã in hằn những dấu vết lam lũ của cuộc đời như một vài vết sẹo hay vệt nám nơi gò má. Đôi mắt sâu hoằm nhưng vô cùng linh hoạt. Ánh mắt của ba lúc thì nghiêm nghị, lúc thì đầy ắp thương yêu. Chiếc mũi cao giúp khuôn mặt ba trở nên điển trai, phong độ. Chiếc mũi rất hợp với nụ cười bừng sáng.
Là một kĩ sư, bố tôi có đôi tay chai sạn. Những ngón tay bây giờ như to hơn, chẳng còn vẻ thon dài của bàn tay chàng thư sinh ngày trước. Lòng bàn tay thô ráp, nhưng chẳng hiểu sao, tôi rất thích nắm đôi bàn tay ấy. Dường như khi đặt bàn tay nhỏ bé của mình trong đó, tôi cảm nhận được bao vất vả mà ba đã trải qua. Mẹ tôi kể, những ngày đầu tôi chập chững bước những bước đầu tiên, ba chính là người dìu dắt tôi. Không may, tôi bị ngã, ba chạy vội sang ôm tôi vào lòng. Ngày đó còn bé, chỉ biết òa khóc kêu mấy tiếng “ba…ba…”. Khi lớn hơn, có lần tôi bị ngã xe, ba không còn vỗ về tôi như ngày đó. Ba nhìn tôi nghiêm khắc và mắng. Tôi vẫn òa khóc, khóc bởi giận dỗi. Sau đó, tôi hiểu, ba vì lo lắng quá cho tôi, muốn tôi chững chạc trong những bước đi trên đường đời dài phía trước.
Ba là người mà tôi kính trọng nhất. Dù đi hết cuộc đời, hình ảnh người ba quanh năm mệt nhọc vì gia đình sẽ luôn ghi dấu trong trái tim tôi. Tôi nguyện cầu cho người cha của cuộc đời sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an yên.
(2) Bài văn tả người lớp 5 – Tả Bà
Mẫu số 1:
“Bà ơi bà cháu yêu bà lắm!
Tóc bà trắng, màu trắng như mây…”
Có lẽ tuổi thơ của ai cũng từng nghe những giai điệu trong câu hát trên. Bà ngoại em cũng có mái tóc bạc trắng như mái tóc bà của bạn nhỏ đó.
Năm nay, bà ngoại em đã ngoài sáu mươi. Bà có thân hình mập mạp. Trên khuôn mặt chữ điền, phúc hậu đã điểm những nếp nhăn rõ rệt. Nếp nhăn xô lại trên làn da hơi sạm mỗi khi bà cười. Nhưng nụ cười của bà còn tươi tắn lắm. Chiếc mũi nhỏ cùng khóe miệng móm mém của bà lúc nào cũng rạng ngời. Mái tóc của bà ngắn ngang vai. Mái tóc óng mượt ấy đã điểm những sợi tóc bạc trắng. Có lẽ, những sợi tóc bạc ấy chính là nỗi lo âu, sự chăm sóc và tình yêu thương bao năm tháng bà dành cho em. Sự chăm sóc còn thể hiện qua đôi tay nhăn nheo, đôi tay đã bồng bế em từ khi còn trong nôi.
Bà là một người hiền hậu, ấm áp và tràn ngập tình thương yêu. Em còn nhớ, ngày em mới 5 tuổi, em đến nhà bà chơi. Em nhìn thấy các anh chị đi xe đạp thật thích làm sao! Em đã đòi bà cho em tập đạp xe. Do bất cẩn, em đã bị ngã xe. Chiếc xe đè lên bàn chân em, bàn chân thâm tím và sưng lên. Bà rất lo lắng, bà đưa em vào nhà và lấy đá chườm vào chỗ xưng. Em bị đau, cứ òa khóc nức nở. Lúc đó, mắt bà đỏ hoe. Em hiểu bà thương em lắm. Bà vừa là một người bà đáng kính, lại vừa là một người bạn thân thiết của em. Có những lúc, em gặp chuyện khó khăn, bà luôn là người động viên em và cho em những lời khuyên thật bổ ích. Ngày chị em em còn bé, bà thường hát ru chúng em bằng những câu hát dân ca “à ơi” ngọt ngào. Dường như, lời ca thuở ấy cho đến bây giờ vẫn vang mãi trong tâm hồn em. Những câu chuyện cổ tích bà kể thật lí thú biết bao! Nhờ bà, em đã biết đến cô Tấm dịu hiền, anh chàng Thạch Sanh tốt bụng và tài giỏi, Chử Đồng Tử hiếu thảo,….
Em rất yêu quý bà ngoại của em. Bà như một bà Tiên hiền hậu, mang đến cho em những phép nhiệm mầu bằng tình yêu thương và sự chở che. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai sau khôn lớn và trưởng thành, để luôn là cháu ngoan của bà.
Mẫu số 2:
Trong gia đình, em thân thiết với bà nội nhất. Bà nội năm nay đã 75 tuổi, dáng người gầy nhưng rất nhanh nhẹn. Mái tóc bà bạc phơ, lúc nào cũng được chải mượt mà và vấn lên cao một cách gọn gàng. Gương mặt bà rám nắng, điểm những nếp nhăn nhưng vẫn toát lên sự phúc hậu và ấm áp. Đôi mắt bà hiền từ, ánh lên niềm vui mỗi khi nhìn thấy các cháu.
Bà nội rất thích làm vườn. Những buổi sáng, bà thường ra chăm sóc những luống rau xanh mướt hay cắt tỉa những bông hoa đầy màu sắc. Bà còn nấu ăn rất ngon. Những món canh chua, cá kho hay bánh ít bà làm đều khiến cả nhà ai cũng thích. Vào những buổi chiều, bà hay ngồi bên thềm nhà, vừa quạt mát vừa kể chuyện ngày xưa cho em nghe. Những câu chuyện của bà vừa thú vị vừa chứa đựng những bài học quý giá.
Bà nội là người mà em kính trọng và yêu thương nhất. Em luôn mong bà sống thật lâu để em có thể chăm sóc và làm bà vui lòng.
Xem thêm các mẫu bài văn tả người lớp 5 điểm cao và ngắn gọn…Tải về
10+ bài văn tả người lớp 5 điểm cao và ngắn gọn? Môn Tiếng Việt lớp 5 có yêu cầu năng lực viết thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
03 mức đánh giá xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học?
Căn cứ Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học1. Xét hoàn thành chương trình lớp học:a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học là những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục ở một trong ba mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành.b) Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.c) Đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để tổ chức kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.2. Xét hoàn thành chương trình tiểu học:Học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 được xác nhận và ghi vào Học bạ: Hoàn thành chương trình tiểu học.
Theo đó, 03 mức đánh giá xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học bao gồm:
– Hoàn thành xuất sắc,
– Hoàn thành tốt,
– Hoàn thành.
Yêu cầu năng lực viết môn Tiếng Việt lớp 5 thế nào?
Tại Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có quy định
Năng lực ngôn ngữĐọc đúng, trôi chảy và diễn cảm văn bản; hiểu được nội dung chính của văn bản, chủ yếu là nội dung tường minh; bước đầu hiểu được nội dung hàm ẩn như chủ đề, bài học rút ra từ văn bản đã đọc.Ở cấp tiểu học, yêu cầu về đọc gồm yêu cầu về kĩ thuật đọc và kĩ năng đọc hiểu. Đối với học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2), chú trọng cả yêu cầu đọc đúng với tốc độ phù hợp và đọc hiểu nội dung đơn giản của văn bản. Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, chú trọng nhiều hơn đến yêu cầu đọc hiểu nội dung cụ thể, hiểu chủ đề, hiểu bài học rút ra được từ văn bản.Từ lớp 1 đến lớp 3, viết đúng chính tả, từ vựng, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn văn ngắn; ở lớp 4 và lớp 5 bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản….
Như vậy, học sinh lớp 5 cần đạt được năng lực viết là bước đầu viết được bài văn ngắn hoàn chỉnh, chủ yếu là bài văn kể, tả và bài giới thiệu đơn giản.
Chuyên mục: Giáo Dục
Nguồn: THPT Phạm Kiệt