Chàng trai bị bỏng, nằm liệt 9 năm vẫn đỗ 2 trường ĐH

Gặp chúng tôi trong một buổi chiều tan học, chàng tân sinh viên khoa Công tác Xã hội trường ĐH KH XH&NV HN Lê Viết Thuận nở nụ cười hiền lành, dễ thương. Nhưng ít ai biết rằng số phận của Thuận chứa nhiều điều bất hạnh và để được đứng trên giảng đường Nhân văn này cậu đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả.

 
Họ tên: Lê Viết Thuận
Quê: Hiệp Hòa, Bắc Giang
Sinh: 1991
Tân sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội
Giải thưởng Hoàng Hoa Thám dành cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, có thành tích học tập tốt (Tỉnh đoàn Bắc Giang trao tặng).
 


9 năm nằm liệt giường

dc67bf1a-9d8b-4c20-8a2a-4336a4c776db

Dù tật nguyền nhưng Thuận vẫn đạt thành tích cao trong học tập

Thuận sinh ra trong một gia đình nghèo thuần nông tại thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ngay từ khi sinh ra Lê Viết Thuận đã mang trên mình nhiều khuyết tật bẩm sinh, ốm yếu triền miên.

Không những thế số phận lại càng nghiệt ngã hơn khi Thuận được 5 tháng tuổi, một tai nạn bỏng lửa ở chân trái đã khiến cho chàng trai sinh năm 1991 này phải nằm liệt giường 9 năm trời. Do chỉ được chạy chữa bằng phương pháp cổ truyền đông y nên vết thương không thuyên giảm mà còn bị nhiễm trùng uốn ván, tiêm nhiều vắc xin nên bị ảnh hưởng đến cơ và gân, nói chuyện và vận động rất khó khăn.

Năm 1999, gia đình cố gắng vay mượn tiền bạc đưa Thuận phẫu thuật chỉnh hình tại bệnh viện bỏng Trung Ương. Nhìn hoàn cảnh lúc đó của Thuận, các bác sĩ lắc đầu nói nếu muốn thoát khỏi cảnh bại liệt thì cậu phải cưa đi chân trái. May mắn thay bằng sự cứu chữa tận tình của bác sĩ Thuận đã giữ lại được đôi chân nhưng việc đi lại thì gặp nhiều khó khăn. Thuận bị mất đi 70% sức khỏe.

Nằm liệt 9 năm trời, nhưng Thuận vẫn luôn khao khát nhường nào được một lần được chạy, nhảy nô đùa cùng lũ trẻ hàng xóm, được một lần cắp sách tới trường như bao bạn cùng trang lứa. Lên 10 tuổi Thuận mới tập những bước đi đầu đời. Những bước chân đầy đau đớn khó nhọc. Tay phải của Thuận bị co quắp vì chứng uốn ván. Mỗi khi trời trở gió những cơn đau đớn lại hành hạ, tra tấn cậu.

Đường làng trơn trượt không cản bước tới trường

Khi được phẫu thuật chỉnh hình về, Thuận đã quyết tâm xin gia đình cho được đi học và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Những ngày đầu đến trường Thuận phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.

Thuận nhớ lại bao kỉ niệm ấy bằng một vẻ mặt đầy tâm trạng: “Vì đi học muộn và hình dáng cử chỉ không được bình thường nên mình luôn là tâm điểm cho các bạn trêu đùa. Nhiều lúc mình thấy rất mặc cảm vô cùng và không ít lần muốn bỏ học. Nhưng nhìn thấy bố mẹ nghèo khó và không muốn là gánh nặng cho gia đình, nên mình lại tự động viên bản thân phải vươn lên”.

Không những thế, tay phải của Thuận bị co quắp không thể hoạt động được chứ chưa nói gì đến viết, Thuận đã phải rất quyết tâm để học viết bằng tay trái. Thuận tâm sự: “Nhiều lúc mình rất là nản chí, vì không thuận tay trái nên không thể làm được những điều mình mong muốn, đi học thì không thể chép kịp lời cô giáo giảng”.

Có lúc trời mưa như trút nước, con đường đi học từ nhà đến trường bằng đất rất trơn trượt, cậu đã ngã không biết bao nhiêu lần trên con đường ấy. Nhưng cậu vẫn tự mình đứng dậy bước tiếp tới trường. Với nghị lực phi thường ngay từ những ngày đầu của bậc tiểu học, Thuận luôn duy trì thành tích học sinh xuất sắc toàn diện.

Trong kì thi tuyển sinh ĐH vừa rồi, Thuận được thông báo tuyển thẳng vào Đại học nhưng chàng trai này đã quyết tâm đi thi. Thuận đã đỗ đến 2 trường ĐH lớn là Trường ĐH ĐH KH XH&NV HN và Học viện Quản lý giáo dục. Với chừng ấy thành tích và nghị lực vươn lên bất chấp số phận nghiệt ngã, Lê Viết Thuận được Tỉnh đoàn Bắc Giang trao tặng giải thưởng Hoàng Hoa Thám.

Nằm liệt 9 năm sút bị cưa chân vẫn đỗ 2 trường ĐH lớn

Thuận (đứng giữa) nhận giải thưởng Hoàng Hoa Thám dành cho thành tích học tập và nghị lực vươn lên

Khi được hỏi về lý do chọn ngành công tác xã hội, chàng tân sinh viên này tự tin nói: “Đầu tiên mình định thi vào khoa công nghệ thông tin nhưng khi biết trên đời có rất nhiều người có hoàn cảnh éo le hơn nên mình muốn được làm một ngành gì đó có thể giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống”.

Chúng tôi tin rằng ước mơ được giúp đỡ thật nhiều người kém may mắn của cậu sẽ sớm thành hiện thực. Tạm biệt Thuận khi trời bắt đầu lác đác những hạt mưa, khi nghe tiếng gió đầu mùa đã bắt đầu tràn về, mong cho cái lạnh mùa đông này không còn làm cho Thuận đau đớn vật vã nữa.

 
Đọc thêm những tấm gương nghị lực:
Cảm phục em nhỏ đi học bằng... tay