Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 2)

Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 2)
Như đã giới thiệu trong phần một về những bí quyết giúp học bài mau thuộc như cách giúp bạn nhớ lại, cách khắc sâu ấn tượng lần đầu, hoặc cách học thầm, ... Trong bài này, thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giới thiệu tới các bạn học sinh những bí quyết mới giúp chúng ta có thêm nhiều phương pháp bổ ích trong học tập.
Bí quyết ghi ra giấy
Bí quyết này phù hợp với việc học từ mới, ôn từ cũ của môn ngoại ngữ hoặc các môn có nhiều công thức, định lý như: Toán, Lý, Hóa. Cách thực hiện rất đơn giản, các bạn chỉ cần chuẩn bị cỡ giấy ½ - ¼ vở tập của các bạn hoặc giấy có bán sẵn, với nhiều kích cỡ khác nhau ở các văn phòng phẩm, nhà sách đều dùng được. 
Dùng bút nét to, đậm, viết nội dung cần ghi nhớ lên đó. Mỗi môn học nên dùng một màu mực khác nhau. Sau đó dán chúng lên ô cửa, tường nhà, bàn học, kệ sách… bất cứ nơi nào mà bạn thuận tiện quan sát nhất. 
Hàng ngày các bạn nên dành thời gian để xem chúng, càng nhiều càng tốt! Những nội dung nào đã thuộc thì lấy xuống, giữ lại, xếp theo chủ đề, và dán những vấn đề mới lên. Những mấu giấy nhỏ ấy sẽ là những tài liệu nhỏ giúp bạn sau này ôn tập nhanh chóng, rất thú vị và hiệu quả.
Bí quyết phân loại
Bí quyết phân loại sẽ giúp não bộ đỡ vất vã hơn khi ghi nhớ, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, khó nhớ. Có thể sử dụng bí quyết này để học bất kỳ môn nào như: Văn, Toán, Ngoại ngữ...
Ví dụ như khi học môn tiếng Anh, trước mắt các bạn là hàng loạt các từ thuộc rất nhiều lĩnh lực khác nhau, nếu không dùng phương pháp phân loại thì khó mà học mau thuộc, nhớ lâu và vận dụng hiệu quả được. 
Tốt nhất, nên căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng bài học mà các bạn có thể phân loại chúng thành các nhóm từ như: nhóm chỉ thời gian, nhóm chỉ địa điểm, nhóm chỉ quan hệ giao tiếp, nhóm danh từ, nhóm động từ, nhóm tính từ… Có như vậy, việc học từ mới nói riêng và học môn ngoại ngữ nói chung sẽ đỡ vất vả hơn.
Bí quyết lập dàn bài
Lập dàn bài khi học sẽ giúp bạn mau nhớ và nắm chắc nội dung bài học hơn. Tùy vào từng vấn đề, nội dung cần ghi nhớ mà các bạn có thể lập dàn bài sơ lược hoặc chi tiết cho phù hợp, tiện lợi nhất. 
Dàn bài sơ lược thì chỉ cần ghi các ý chính dưới dạng gạch đầu dòng là được. Còn dàn bài chi tiết đòi hỏi công phu hơn một chút, trong mỗi ý chính cần có thêm những phụ ý nhỏ hơn. Khi giảng bài mới, giáo viên luôn hướng dẫn các bạn ghi theo một dàn bài cụ thể bằng cách đánh số thứ tự theo chữ số La Mã (I., II., II…), chữ số Ả rập (1., 2., 3…), hoặc chữ cái Latinh (A., B., C…) 
Do vậy, khi học bài bằng phương pháp lập dàn bài, tốt nhất các bạn nên căn cứ vào bố cục ghi bài mà tóm tắt các ý chính cần học. Làm như thế, các bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo tính hệ thống, logic của các đơn vị kiến thức cần phải nhớ.
Bí quyết đơn giản hóa vấn đề
Bí quyết đơn giản hóa vấn đề giúp bạn biến một vấn đề dài dòng, khó nắm bắt thành một vấn đề ngắn gọn, dễ nhớ. Cách thực hiện: đọc toàn cảnh bài học hay vấn đề cần nhớ, gạch chân những chi tiết quan trọng, cốt lõi (cách làm này nhằm loại bỏ những chi tiết rườm rà, không cần thiết); chỉ cần nhớ những chi tiết quan trọng đó và xem nó như là những từ khóa để nắm chắc vấn đề là được. 
Có thể áp dụng bí quyết này cho nhiều môn học như: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa…. Đối với các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa…) phải ghi bài nhiều, thường rất dài, thì đây là phương pháp học bài lý tưởng nhất, vừa đem lại hiệu quả cao vừa tiết kiệm thời gian.
“Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái” - Henry Brooks Adams.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân