Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 1)

bi quyet hoc DRYK

Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu

Học tập dù là bằng phương thức nào thì vẫn yêu cầu các bạn học sinh phải hiểu, vận dụng tốt và nhớ được những vấn đề cơ bản nhất của tri thức mà mình đã học. 

Khi giáo viên giảng bài trên lớp, có bạn nghe xong đã hiểu, vì vậy các bạn ấy thuộc bài ngay tại lớp. Nhưng không phải bạn học sinh nào cũng tiếp thu kiến thức nhanh, thuận lợi như vậy. Có không ít bạn, dù học đi học lại rất nhiều lần nhưng vẫn không nhớ nổi bài.

Nguyên nhân có thể do chưa hiểu bài hoặc do học thiếu bí quyết. Sau đây là những bí quyết giúp bạn học bài mau thuộc và nhớ lâu hơn:

Bí quyết nhớ lại

Nguyên tắc của bí quyết này là: nhớ trước xem sau. Khi học, yêu cầu các bạn xem bài qua một vài lần, rồi sau đó khép tập lại, cố nhớ những nội dung vừa xem.

Đối với những nội dung mình không thể nhớ lại được, thì mới mở vở ghi bài, sách giáo khoa ra xem lại. Bí quyết này phát huy hiệu quả cao đối với những bài học trong ngày.

Các bạn lưu ý, nếu sau khi đi học về, lập tức ôn tập theo kiểu nhớ lại ngay và kết hợp học bài bằng bí quyết nhớ lại thì kết quả đạt được sẽ rất tuyệt vời.

Bí quyết khắc sâu ấn tượng lần đầu

Nếu lần đầu tiên tiếp xúc với nội dung bài giảng, các bạn đã có ấn tượng sâu đậm thì không cần phải lặp đi lặp lại những nội dung ấy nữa, vẫn có thể nhớ rất rõ các tri thức và những hình ảnh liên quan về vài học đó.

Dựa theo quy luật này, khi học ở lớp, các bạn cố gắng tập trung chú ý, quan sát, theo dõi bài giảng của giáo viên: từ cử chỉ, ngôn ngữ, giọng điệu đến cách trình bày bảng… để có những ấn tượng lần đầu có lợi cho việc nắm bắt tri thức.

Thậm chí, khi ghi bài vào vở, các bạn cũng nên tự tạo ấn tượng riêng cho mình như: gạch chân, đóng khung, dùng bút dạ quang, hay bất cứ ký hiệu nào để đánh dấu những vị trí then chốt, nhằm khắc sâu ấn tượng bài học. Có làm như vậy, lúc học bài các bạn sẽ mau thuộc hơn.

Phương pháp là thầy của các thầy.” (Talleyrand)

Bí quyết học thầm (đọc bằng mắt)

Đặc điểm của bí quyết học thầm là sử dụng mắt như máy chụp ảnh - nhìn bằng mắt và nhẩm trong đầu các vấn đề cần nhớ. Bí quyết này giúp mắt có thể quan sát trên diện rộng, bao trùm từng cụm từ, mảng kiến thức, hình ảnh của bài học…

Do chỉ “đọc bằng mắt” nên người học bài không bị chi phối bởi “tạp âm” do mình phát ra, vì vậy rất dễ tập trung, mau nhớ bài. Cách học bài kiểu này còn giúp ta cùng lúc kết hợp giữa đọc với tưởng tượng, đọc với nghiền ngẫm.

Tưởng tượng và nghiền ngẫm là những phương thức tư duy rất quan trọng của hoạt động nhận thức. Nhờ tưởng tượng mà chúng ta có thể dễ dàng trừu tượng hóa những vấn đề phức tạp, khó hiểu; nhờ nghiền ngẫm mà chúng ta nắm bắt vấn đề chính xác, sâu sắc hơn.

Thậm chí Einstein còn đánh giá rất cao trí tưởng tượng, ông cho rằng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”.

Bí quyết học vượt thời gian

Dựa trên trên cơ sở khắc sâu thì nhớ lâu của não bộ, chúng ta sẽ học bài bằng cách sử dụng thêm thời gian cần thiết để nắm chắc một vấn đề nào đó. Ví dụ như: Chỉ cần mất 20 phút, các bạn đã nắm được vấn đề cần học. Nhưng để việc ghi nhớ được chắc chắn hơn, các bạn nên học thêm 10 phút nữa.

Đương nhiên 10 phút sau đó các bạn cũng phải tập trung cao độ như 20 phút đầu, nếu không việc kéo dài thời gian cũng chẳng có tác dụng gì. Bí quyết học vượt thời gian là biện pháp tốt nhất để phòng tránh hiện tượng nhớ bài lơ mơ, lẫn lộn giữa các vấn đề, dẫn đến hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia!”.

“Thật vô cùng may mắn cho ai được học cách học.” (Ménandre)

 Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân