Câu chuyện giáo dục thứ 14

gd14Khi thầy cho bài làm ở nhà thì đừng than vãn hay kêu ca, kẻo nếu không thầy cho tăng lên gấp đôi. Nào, hãy nghĩ đến nơi em đang làm việc... Còn nào, hãy nghĩ đến những người đang làm việc với em...

Có bao nhiêu người em cho là tích cực, bao nhiêu người là tiêu cực? Những ai em dành thời gian chuyện trò và trao đổi công việc? Thầy nghĩ câu trả lời là dễ thấy thôi, nhưng sao vẫn có nhiều người lại cứ giữ thái độ tiêu cực và xem ra lúc nào cũng có thể kêu ca về bất cứ việc gì được giao hay đòi hỏi họ phải cố gắng hơn một chút.

Thầy rất ghét có quanh mình những con người như thế, bởi vì điều ấy thật sự làm thầy chán ngán khi cứ phải nghe họ càm ràm bao điều về cuộc sống. Nhiều khi có những việc cần làm thì ta lại không làm hay không muốn làm vào lúc cần đến, nhưng đó lại là việc thuộc bổn phận của ta và bởi vậy ta cần phải làm là không được than vãn hay kêu ca là ta không muốn làm theo kiểu như thế.

Còn rất nhiều khi là ta đã lãng phí biết bao công sức để tránh né không làm một việc nhiều hơn cả bắt tay vào làm việc ấy. Đôi khi con cái em yêu cầu em giúp chúng làm bài ở nhà, hay khi một người họ hàng lớn tuổi muốn em đến thăm viếng hay cắt giúp bãi cỏ thì em lại chẳng cảm thấy giống như là làm việc. Điều này là tự nhiên thôi bởi đây là một bổn phận và là một việc ta cần phải làm mà không được kêu ca hay tỏ thái độ thờ ơ.

Thầy cố đưa thái độ tích cực vào lớp học của thầy và dù trong bất cứ trường hợp nào, thầy cũng không cho phép học sinh kêu ca ầm ĩ trước bất cứ nhiệm vụ nào được giao hay bất cứ yêu cầu nào đối với chúng. Thế nhưng, hình phạt mà thầy áp dụng trong qui tắc này - tăng gấp đôi nhiệm vụ lên - đã đem đến cho thầy không ít buồn phiền trong quá khứ.

Nhiều thầy cô cứ nói với thầy: “Này, mình thật sự không đồng tình với qui tắc này của bạn. Ta không bao giờ nên sử dụng bài làm ở nhà như một thứ hình phạt”. Thầy hiểu quan điểm của họ nhưng vào ngay lúc ấy, tình trạng ta thán và kêu ca về bài làm ở nhà là không thể chịu đựng được.

Để ngăn chặn điều ấy thì phải răn đe triệt để. Cái nào theo em là tồi tệ? Có một lớp học mà lúc nào cũng kêu ca về bất cứ nhiệm vụ nào được giao, lúc nào cũng thấy gieo rắc những tình cảm tiêu cực về việc học hành, hay là đôi ba lần phải làm bài tăng gấp đôi nhưng sau đó học sinh đều chấp nhận mọi nhiệm vụ được giao mà không kêu ca hay ta thán gì.

Thầy nói với các học sinh của thầy rằng nếu các em thấy bài làm về nhà là quá nhiều cho mỗi tối thì thầy rất sẵn lòng lắng nghe những ý kiến của các em. Thế nhưng, các em cần phải đề đạt ý kiến của mình một cách đàng hoàng, biết tôn trọng người khác chứ không thể kêu ca ầm ĩ.

Chẳng hạn, thầy nói với bọn trẻ là các em có thể nói như sau: “Thưa thầy, nhiều bạn trong lớp có buổi trình diễn tại trung tâm cộng đồng. Thầy có nghĩ là có cách nào đó giảm thiểu số trang mà chúng em cần đọc để làm bài ở nhà không?”.

Thầy luôn muốn trao đổi với học sinh trên mọi vấn đề theo kiểu như thế và thầy luôn giảm bớt khối lượng này cho chung cả lớp, chứ không chỉ cho riêng một nhóm học sinh có những nghĩa vụ nào đó để rồi nại vào đó mà không hoàn thành đầy đủ bài làm ở nhà của mình.

K.T.