Câu chuyện giáo dục thứ 12

gd12TTCN - Hãy trả lời mọi câu hỏi viết bằng một câu đầy đủ. Chẳng hạn, nếu câu hỏi là “Thủ đô nước Nga là gì?”, em nên trả lời “Thủ đô của nước Nga là Matxcơva”.

Tương tự, khi chuyện trò với người khác, việc trả lời thành câu đầy đủ là rất quan trọng để tỏ lòng tôn trọng người hỏi.

Chẳng hạn, nếu có ai hỏi “Bạn có khỏe không?”, thay vì chỉ trả lời cụt lủn là “Khỏe”, em nên nói “Mình rất khỏe, cảm ơn. Còn bạn thì sao?”.

Qui tắc này giúp học sinh phát triển một yêu cầu trong ngôn ngữ viết. Nó giúp trẻ học cách phát triển và sắp xếp các ý tưởng của mình, nhất là khi các câu hỏi đòi hỏi một câu trả lời ngắn gọn nhưng phải đầy đủ ý nghĩa. Chẳng hạn, câu hỏi “Bạn có cho rằng đề nghị thêm 45 phút nữa vào một buổi học sẽ được thông qua?”, có thể được trả lời “không” mà không cần kèm theo lời giải thích nào trừ khi học sinh được yêu cầu trả lời sâu câu hỏi với đầy đủ lý lẽ.

Một đồng nghiệp nữ của thầy dạy toán và khoa học, nhưng cô đã làm được một việc tuyệt vời là đưa kỹ năng viêt vào các chủ đề dạy của mình. Cô yêu cầu học sinh tổ chức một ngày toán học, và trong ngày đó các em học sinh viết bài trình bày cách mình đã giải các vấn đề khác nhau ra sao.

Cô luôn yêu cầu các học sinh bắt đầu câu trả lời bằng cách lặp lại câu hỏi và sử dụng câu đầy đủ. Đây là cách làm xuất sắc để hiểu rõ các chủ đề, và với tư cách là thầy dạy viết cho học sinh, thầy đánh giá cao nỗ lực ngoại khóa này của cô đối với học sinh của mình nhằm giúp chúng phát triển kỹ năng viết.

Mỗi năm ở trường thầy, các học sinh phải viết một bài luận. Chúng được yêu cầu đọc một đoạn văn và sau đó trả lời những câu hỏi ngắn về đoạn văn ấy. Vào lúc ấy, lớp của thầy lại có nhiều học sinh yếu về môn luận văn này. Tuy nhiên, khi tập viết bài luận văn như thế, thầy luôn hướng dẫn các bạn ấy trả lời các câu hỏi theo cách dưới đây:

Thí dụ:

Trong số các vận động viên bóng rổ, em nghĩ ai là người giỏi nhất, L. hay V.?

1. Lặp lại câu hỏi và thêm phần trả lời:

Trong số các vận động viên bóng rổ, em nghĩ L. giỏi nhất.

2. Đưa ra một lý do vì sao bạn lại cho là như thế:

Em nghĩ là L. giỏi nhất bởi vì bạn ấy ném trái bóng quyết định chiến thắng.

3. Hỗ trợ câu trả lời của bạn:

Sở dĩ bạn ấy ném được trái bóng quyết định chiến thắng là vì bạn ấy rất bình tĩnh trước các áp lực và có quyết tâm cao để giành chiến thắng.

4. Lặp lại câu hỏi và đi đến kết luận:

Bởi vậy, em nghĩ L. là vận động viên bóng rổ giỏi hơn V.

Dựa trên cái sườn chính này, các học sinh của thầy đã nhanh chóng biết viết những câu trả lời đủ ý và đầy đủ cho bất kỳ câu hỏi nào. Sau khi đã làm chủ được kỹ thuật viết này, nhiều học sinh còn có thể sử dụng cách viết cơ bản này để viết những câu trả lời sáng tạo và nhiều ý hơn, nhưng những câu trả lời của chúng vẫn giữ được một cấu trúc cân đối cần thiết để được đánh giá là những bài viêt xuât sắc. Nhiều học sinh lớp khác cũng lấy cách viết này để học tập. Các bạn ấy đã thử vận dụng và cũng đạt được những thành quả tương tự.

Trong năm đầu tiên đi dạy, thầy chỉ mới nhận lớp ba tuần lễ trước khi học sinh phải làm bài luận kiểm tra, và rất nhiều học sinh năm ấy chỉ còn biết ngồi chống bút mà chẳng viết được gì. Hình ảnh này khiến trái tim thầy như thắt lại, nhưng mọi việc thầy có thể làm là mỉm cười động viên các em ấy hãy cố gắng. Thầy đã dạy hai lớp 5 của trường, lớp thứ nhất đã đội sổ trong toàn trường về bài kiểm tra môn luận vào năm đầu tiên thầy nhận lớp.

Năm kế tiếp, thầy quyết định phải thăng hạng. Thầy triển khai cách viết cơ bản này và thầy trò cùng miệt mài thực tập suốt năm trên mọi loại đề tài. Đến ngày kiểm tra môn luận, toàn bộ học sinh lớp 5 của thầy đều làm được bài và lớp của thầy được xếp hạng đầu trong toàn trường. Thậm chí thầy còn có những học sinh được xếp hạng cao bởi các em đã biết lặp lại phần câu hỏi, rồi đưa ra phần trả lời, đưa thêm phần hỗ trợ câu trả lời của mình, cuối cùng nhắc lại phần câu hỏi và đi đến kết luận.

K.T.